Hồ Chí Minh,

Thêm nhiều thủ đoạn lừa đảo mới trên thương mại điện tử

Định Khang  25/02/2023 13:21

Những năm gần đây, tình hình kinh doanh, mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Những năm gần đây, tình hình kinh doanh, mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Vì vậy, trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường xác định, kiểm tra, kiểm soát giám sát hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, trên các nền tảng mạng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội

Mới đây, Tổ công tác về thương mại điện tử Cục QLTT tỉnh Phú Yên đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện 2 địa chỉ hoạt động kinh doanh, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên ứng dụng facebook.

Cụ thể, ngày 17/02, kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Mỹ phẩm Song Nhi (Facebook: Mỹ Phẩm SONG NHI Hòa Phong) tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 39 mục hàng hóa mỹ phẩm gồm 402 sản phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ; hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.


Tổ công tác về thương mại điện tử của Cục QLTT Phú Yên liên tiếp kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử

Cũng trên địa bàn vừa nêu, ngày 21/2, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra Hộ kinh doanh Shop Năm Tiền (Facebook Năm Tiền) và phát hiện cơ sở đang kinh doanh 31 mục hàng hóa gồm, 221 đơn vị sản phẩm các loại như: sữa bột hiệu Aptamil Profutura made in New Zealand; sữa bột hiệu Aptamil Advanced made in New Zealand; sữa bột hiệu Aptamil; sữa bột hiệu Kendamil; sữa bột hiệu Nestle; sữa non hiệu Ildong; sữa bầu các loại hiệu Morinaga made in Japan; hạt nêm hiệu Ajnomoto; phấn thơm hiệu D-nee … và một số loại thực phẩm khác. Toàn bộ số hàng trên do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm kiểm tra, các hộ hộ kinh doanh không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.


Tạm giữ trên 2.000 tuýp thuốc trị bệnh trĩ MR.DAFLON giả mạo nhãn hiệu

Mới đây, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 22, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11, ngách 2, ngõ 123, phố Trần Cung do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ. Đây là vụ việc điển hình đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT, mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả mạo nhãn hiệu, thuốc không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Người kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định. Hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra có số lượng lớn, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Vụ việc này có dấu hiệu tội phạm hình sự theo điểm đ khoản 1 Điều 190 và khoản 1 Điều 226 Bộ Luật hình sự.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có những vụ việc xảy ra không chỉ ở Hà Nội, đối tượng sản xuất ở tỉnh bên cạnh, đưa lên mạng xã hội để bán và mạng xã hội là kênh tiêu thụ cũng như luân chuyển hàng hóa.

“Nhìn tổng thể công tác kiểm tra giám sát có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục mới đấu tranh được vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, vì lĩnh vực này không có địa giới, không có giới hạn về lãnh thổ về phạm vi. Chúng tôi căn cứ vào những kênh phân phối, chào hàng trên mạng để có biện pháp nghiệp vụ vì suy cho cùng kinh doanh trên mạng vẫn có thanh toán, có hàng nhập về, có hàng chuyển tới tay người tiêu dùng…”, ông Nghĩa cho biết.

Khó khăn trong kiểm soát hàng giả trên thương mại điện tử

Đưa ra những khó khăn, thách thức trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thương mại điện tử, mạng xã hội, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoạt động thương mại điện tử năm 2022 của Tổng cục QLTT cho rằng, rào cản lớn nhất của công tác này là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo kinh doanh theo đúng quy định vẫn còn rất thấp, nhiều vấn đề phát sinh chưa được quản lý tốt.

“Phần lớn các đối tượng sử dụng phần mềm như facebook, zalo, tiktok... để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm”, Tổng cục QLTT nhận định.

Cũng theo Tổng cục QLTT, một thủ đoạn gian lận trên thương mại điện tử mà thời gian qua nổi lên, đó là đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như giảm giá, thanh lý…

Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng được lựa chọn thuộc loại có giá trị cao, nhỏ gọn, hàng thương hiệu như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn thương mại điện tử. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.


Ngoài kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng, tới đây, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng đội ngũ chuyên trách về lĩnh vực này

Theo Thống kê từ Bộ Công thương, năm 2022, lực lượng QLTT phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo số liệu của Tổng cục QLTT, năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.

Thời gian tới, để ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử, Tổng cục QLTT cho rằng, để có thể xoá bỏ triệt để hành vi này cần phải kết hợp với nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Trong đó có sự chỉ đạo và phối hợp xuyên suốt từ Chính phủ đến các Bộ, ngành.

Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức của các doanh nghiệp không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nói không với hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống hàng giả hàng kém chất lượng để lực lượng chức năng xác định được nguồn gốc xuất xứ, đường đi của sản phẩm. Quá trình hình thành sản phẩm cần minh bạch mới phân biệt được đâu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng thật, hàng chất lượng tốt, hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”,Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục QLTT còn cho biết, ngoài kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tới đây, lực lượng QLTT sẽ rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục có chức năng tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức này sẽ phối hợp với các đầu mối để cung cấp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thương mại điện tử.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/them-nhieu-thu-doan-lua-dao-moi-tren-thuong-mai-dien-tu-94921.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.