Hồ Chí Minh,

Thiếu quy định gắn mác xuất xứ sản phẩm

Quỳnh Phương  26/06/2019 11:11

Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (viết tắt là Công ty Asanzo) nhập khẩu máy móc, đồ điện tử gia dụng từ Trung Quốc về Việt Nam rồi dán mác "Made in Vietnam" đang khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay lại đang có nhiều kẽ hở khi không quy định rõ ràng trường hợp nào thì được ghi là "Made in Vietnam" nếu nhập khẩu linh kiện từ nước khác về. 

khách hàng
Khách chọn mua các mặt hàng điện tử, điện máy tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc

Liên quan đến vụ việc Công ty Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, ngày 25-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan thuộc bộ này vào cuộc kiểm tra làm rõ những thông tin liên quan.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học – Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh…

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cũng đã yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty Asanzo, gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10-7; yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chủ trì tổng hợp chung, trình bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-7.

Pháp lý chưa rõ ràng

Điều khiến dư luận hiện nay băn khoăn là quy định việc ghi nhãn hàng hóa, ghi xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ tại thị trường nội địa, xuất khẩu như thế nào? Liệu hàng nhập khẩu từ nước khác có được ghi nhãn "Made in Vietnam" hay không?

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nêu rõ: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết".

Cũng theo nghị định này, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định là ghi cụm từ "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại", "nước sản xuất", "xuất xứ" hoặc "sản xuất bởi" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, đối với hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam, Nghị định 43 vẫn chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, thời gian vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu đã cảnh báo, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng khi nhập về lại gắn mác "Made in Vietnam" để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Đồng thời hưởng lợi "miễn phí", bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ở một số nước, tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như "made in…, produced in…" hoặc được quy định chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể. Một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa.

Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, để doanh nghiệp có thể làm đúng, cần phải có hướng dẫn rõ hơn Nghị định 43 để quy định tiêu chí như thế nào thì được coi là sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, gắn được nhãn "Made in Vietnam", còn trường hợp nào thì không được phép.

Về việc doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thay vì nhập nguyên chiếc để giảm thuế, theo ông Trần Thanh Hải, cách làm không sai vì họ đang tận dụng chính sách thuế của Nhà nước để tìm ra cách kinh doanh phù hợp.

Ngày 25-6, liên quan đến vụ việc Công ty Asanzo, Sở Công thương TPHCM đã rà soát nhanh tình hình hoạt động của công ty này.

Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0314074316 ngày 20-10-2016 do Sở Kế hoạch và

Đầu tư TPHCM cấp với chức năng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng điện gia dụng bao gồm các sản phẩm như: smart TV, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi…

Trên địa bàn TPHCM, sản phẩm Asanzo được phân phối tại khoảng 143 điểm bán hàng thuộc kênh hiện đại như hệ thống Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Thiên Hòa, Vinpro. Ngoài ra, sản phẩm của công ty còn được bày bán tại một số cửa hàng bán lẻ điện máy truyền thống, tập trung tại các khu vực chuyên kinh doanh điện tử như khu vực Nhật Tảo, Hùng Vương và các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lotte.vn, Lazada, adayroi… 

Riêng đối với vấn đề sản phẩm của công ty này đạt danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TPHCM tổ chức, sở cũng đã đề nghị hội có báo cáo cụ thể và sẽ thông tin tiếp theo. Ở góc độ quyền lợi người tiêu dùng, cho đến thời điểm hiện nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP chưa nhận được đơn thư khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng về sản phẩm Asanzo.

MINH XUÂN

VĂN PHÚC – NGỌC QUANG

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/thieu-quy-dinh-gan-mac-xuat-xu-san-pham-7672.html

Tin cùng chuyên mục   Pháp luật
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.