Quan điểm được bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới (Amazon Week 2022) diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội. Với chủ đề “Dám mơ lớn”, sự kiện năm nay hướng tới việc kết nối doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp cả nước, không phân biệt quy mô hay ngành hàng kinh doanh, đến với thị trường quốc tế, đồng thời khai phá tiềm năng của Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), chia sẻ: “Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực quản lý các hoạt động thương mại điện tử cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.
Trong hành trình hỗ trợ xúc tiến đưa hàng Việt vươn ra thế giới, năm 2022, chúng tôi đã cùng Amazon Global Selling Việt Nam triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ Nguyên bứt phá" nhằm nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách về năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm”.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Amazon để mở đường cho nhiều hơn các doanh nghiệp và sản phẩm từ Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu. Ảnh Báo Công Thương
Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh cho biết, tới đây, IDEA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Amazon để mở đường cho nhiều hơn các doanh nghiệp và sản phẩm từ Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu.
Với mong muốn tăng trưởng xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Thông qua các nền tảng này, sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận được với người tiêu dùng tại hàng trăm nước trên thế giới, mà không cần phải mở chi nhánh, cơ sở ở nước ngoài như trước đây.
Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ: "Để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, rất cần nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu. Công ty hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường, lựa chọn ra bốn sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực".
Thông qua các sàn thương mại quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global... người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các loại nông sản thành phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên...
Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU.
Chuyên gia Sàn thương mại điện tử Shopee International Phạm Minh Long cũng chia sẻ, Shopee hiện đang triển khai Chương trình “Xuất khẩu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) cho doanh nghiệp sản xuất địa phương qua nền tảng Shopee International Platform”.
Đây là nền tảng xuất khẩu của Shopee cho phép doanh nghiệp, người bán trong nước mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở các thị trường quốc tế một cách thuận tiện và dễ dàng thông qua sàn thương mại điện tử Shopee. Tính đến tháng 8/2022, chương trình đã có hơn 300.000 người bán từ Việt Nam với hơn 9 triệu sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trên nền tảng Shopee quốc tế.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) thì cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok...
Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa nhiều.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme, Mạc Quốc Anh nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời, có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhân sự kiện này, Amazon Global Selling Việt Nam công bố 5 trọng tâm chiến lược 2023 để tạo sức bật cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu online:
1. Nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam thông qua tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ và tăng cường đào tạo cho doanh nghiệp trong nước để thành công khi tiến vào thị thương mại điện tử xuyên biên giới.
2. Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Made-in-Vietnam: Khuyến khích các nhà sản xuất và các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam chung tay cùng Amazon để xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm Việt và tạo dấu ấn trên bản đồ quốc tế. Bảo vệ thương hiệu bằng chương trình Đăng ký thương hiệu (Amazon Brand Registry), xây dựng và phát triển thương hiệu bằng loạt công cụ và sản phẩm quảng cáo và branding trên Amazon.
3. Hỗ trợ đối tác bán hàng vươn ra toàn cầu với giải pháp hậu cần tiên tiến, trong đó:
4. Nâng cao trải nghiệm của đối tác bán hàng trong suốt các giai đoạn khác nhau. Giảm thiểu thời gian đăng ký, bản địa hóa & tối ưu quy trình xác minh tài khoản, hỗ trợ nhà bán hàng với nhiều nội dung đào tạo bằng tiếng Việt và mở rộng kênh liên lạc bằng tiếng Việt.
5. Đóng góp vào sự phát triển bền vững và tích cực của cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam với nhiều hơn các hoạt động, chương trình kết nối giữa nhà bán hàng và nhà sản xuất để cùng tạo ra những cách thức thúc đẩy thành công cho doanh nghiệp địa phương.