Hồ Chí Minh,

Thương mại điện tử "chắp cánh" cho các sản phẩm Vùng ĐBSCL hiện diện rộng khắp

Định Khang  21/06/2023 12:05

Trước những khó khăn và hạn chế trong khâu phân phối truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) đã, đang và sẽ mở ra cơ hội để các sản phẩm, đặc sản địa phương hiện diện rộng khắp, không những tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trên cả nước tiếp cận được nguồn cung nông sản chất lượng.

Phân phối nông sản vào vụ vẫn là bài toán khó

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Khu vực này nổi tiếng với rất nhiều các loại nông sản đặc sản địa phương có thể kể tên như dừa, bưởi da xanh, chôm chôm (Bến Tre); các loại vú sữa, cam mật, xoài, măng cụt, táo hồng, quýt đường (Cần Thơ); bưởi Năm Roi; sầu riêng, măng cụt; cam sành (Trà Vinh); thanh long, mãng cầu xiêm, sơ ri (Tiền Giang); và nhiều loại rau củ khác.

Vào chính vụ, lượng nông sản cần phân phối ở khu vực ĐBSCL là rất lớn. Bài toán tìm đầu ra hiệu quả và ổn định vẫn luôn là băn khoăn của những nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất. Với gần 100 triệu dân, thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản ở trong nước là tương đối lớn, đủ sức giải quyết đầu ra cho nông sản trong nước vào chính vụ. Tuy nhiên việc luân chuyển hàng hóa, đưa hàng nông sản đến tiêu thụ ở thị trường gặp khó khăn do phụ thuộc vào kênh thương lái, hoặc siêu thị, nhất là khi giá cả biến động. Còn cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng lại hạn chế bởi khâu logistics, hao hụt do hư hỏng ở khâu đóng gói, bảo quản. Do vậy các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ ở gần địa phương sản xuất hoặc các thành phố lớn khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, do qua nhiều khâu trung gian phân phối, nên các mặt hàng nông sản ở địa phương này so với địa phương khác có mức chênh lệch khá cao. Nhìn chung, nông sản chất lượng với chi phí hợp lý khó đến tay người tiêu dùng, mà người sản xuất thì nhiều nỗi lo về tiêu thụ nông sản và đảm bảo cuộc sống.

Thương mại điện tử ngày càng trở thành kênh phân phối quan trọng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT và khó khăn của phân phối truyền thống, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL đã và đang sử dụng các nền tảng TMĐT, mạng xã hội để bán hàng nông sản. Kênh phân phối nông sản này ngày càng sôi nổi và có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng như các kênh phân phối truyền thống. Bên cạnh đó, với kênh TMĐT thì các HTX, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Người tiêu dùng đã bắt đầu lựa chọn mua nông sản như trái cây, rau củ trên các Sàn TMĐT hoặc các website bán hàng trực tuyến thay vì tới các chợ truyền thống. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên kênh thương mại điện tử đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

Tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, khiêm tốn. Những khó khăn đến từ nhận thức và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này. Hầu hết các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing... Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được hướng dẫn và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng.

Các Sàn TMĐT hay nền tảng TMĐT là kênh phân phối mới nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan nhà nước, bộ ngành liên quan.


Sự phối hợp góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT trong phân phối nông sản

Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số những năm qua đã phối hợp với các Bộ ngành, UBND, Sở ban ngành địa phương để triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, có ý nghĩa thiết thực, có hiệu quả và đóng góp tích cực giúp ổn định đầu ra tiêu thụ trên các kênh phân phối TMĐT cho sản phẩm nông sản của rất nhiều địa phương trên cả nước nói chung, và ĐBSCL nói riêng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác như Shopee, Voso, Tiki, Lazada, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo để mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng TMĐT lớn được tổ chức một cách bài bản. Với việc nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng TMĐT của riêng mình một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online do Cục TMĐT và KTS đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn, sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển công nghệ, tối ưu quy trình vận hành sản xuất, tiết kiệm chi phí quản lý kênh bán hàng TMĐT, thúc đẩy doanh số bán hàng, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ, góp phần đẩy mạnh việc phân phối, bán hàng cho các sản phẩm địa phương.

Cùng với các hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử đã đang và sẽ trở thành một kênh mới hiện đại và là giải pháp bền vững giúp các nông sản địa phương khu vực ĐBSCL mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông sản ngày càng được nhận diện và phổ biến rộng hơn không chỉ ở khu vực Phía Nam, mà còn ở các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung nữa.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/thuong-mai-dien-tu-chap-canh-cho-cac-san-pham-vung-dbscl-hien-dien-rong-khap-95957.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.
Đồng loạt tiến hành kiểm tra hàng chục điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamson 10K nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ nhiều sản phẩm dao cạo râu giả mạo nhãn hiệu và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Gillette - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường – Công an huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát; địa chỉ: SN 18, đường TL 510B, Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.