Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng phòng Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh mẽ, với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong năm 2020.
Dụ báo đến năm 2025, 55% dân số Việt Nam sẽ tham gia thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, 40% doanh nghiệp sẽ hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động, 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 70% các giao dịch trên các website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử và doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước…
Có thể thấy, thương mại điện tử đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy doanh số và tiết kiệm chi phí giao dịch tổng thể.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, đa dạng nên tiền ẩn các rủi ro về pháp lý, liên quan đến nhiều chế định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau.
"Nếu như trong thương mại truyền thống, mạng lưới là phương tiện để trao đổi thông tin thì trong thương mại điện tử, mạng Internet chính là một thị trường. Do vậy, các vấn đề rủi ro về pháp lý nảy sinh trong thị trường "ảo" là hoàn toàn khác" – ông Phạm Ngọc Vinh cho hay.
Cụ thể, sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp/ người bán, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn.
Nhà cung cấp chịu rủi ro khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng, cũng như rủi ro về thanh toán…
Người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ về hàng mua kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về nhà cung cấp/doanh nghiệp để khiếu nại khi việc giao nhận, hủy đơn không đúng theo cam kết ban đầu.
Ngoài ra, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: "Bên cạnh các rủi ro về pháp lý khi tham gia thương mại điện tử, thì sự gia tăng các giao dịch thương mại – đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử đã kéo theo sự gia tăng các xung đột, tranh chấp không mong muốn".
Chính vì những rủi ro trên có thể dẫn đến những tranh chấp thương mại trên các sàn. Để giải quyết vấn đề, ông Đạt cho biết, có 2 hình thức mà doanh nghiệp có thể sử dụng là thương lượng và hòa giải.
Đối với hình thức thương lượng, các bên có quyền tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.
Đối với hình thức hòa giải, các bên giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ tìm phương án giải quyết.
Kết quả hòa giải được các bên tự nguyện thi hành, buộc yêu cầu công nhận tại tòa án và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Vì vậy, hình thức hòa giải được coi là biện pháp hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp xảy ra khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Để thương mại điện tử phát triển đúng hướng, các chuyên gia cho rằng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn, đặc biệt thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp trong quá trình giao dịch cũng là yếu tố cần được chú trọng.