Đó là nhận định chung của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham dự hội thảo phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, do Ban Kinh tế trung ương tổ chức hôm 11-11.
Ông Nguyễn Thế Quang, phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương cho rằng, thời gian qua, chúng ta ghi nhận sự phát triển vượt bậc, thành công của các mô hình kinh doanh mới. Dựa trên nền tảng công nghệ, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đó là các sàn thương mại điện tử, ngân hàng số…
Cùng chung nhận định này, bà Nguyễn Thái Hải Vân, giám đốc điều hành Grab cho rằng đợt dịch COVID-19 vừa rồi đã thay đổi thói quen tiêu dùng và kinh doanh của đại bộ phận người dân, nhất là ở các thành phố lớn.
"Ngay cả những người bán hàng chợ truyền thống cũng phải xoay sang bán hàng online. Sự dịch chuyển rất tự nhiên. Tất cả mọi ngành nghề nắm bắt được cơ hội này thì kinh doanh sẽ thành công", bà Vân nói.
Về hình thức kinh doanh trong tương lai, theo bà Vân, dự báo mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ dịch chuyển từ offline sang online, chuyển sang môi trường ảo. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm là ba lĩnh vực sẽ có sự dịch chuyển sang online nhanh hơn những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác.
Ông Quang cho rằng với dân số gần 100 triệu dân, trong tương lai, các mô hình kinh doanh mới liên quan đến công nghệ số như robot, 3D… sẽ phát triển mạnh mẽ vì có rất nhiều tiềm năng.