Trước tình hình xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc ngày càng sụt giảm, chiều ngày 13/9, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị phát triển xuất khẩu nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc, nhằm đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời định hướng lại tổ chức sản xuất, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Xuất khẩu giảm 7,9% so với cùng kỳ 2018
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu sang Trung Quốc đã sụt giảm từ năm 2018. Cụ thể, năm 2018, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,26%.
Năm 2018, chỉ có 3 mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm rau quả, cao su và gỗ; giảm 2 mặt hàng so với năm 2017 là thủy sản và gạo.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018.
Các mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018 gồm: rau quả giảm 8,1%, sắn và sản phẩm sắn giảm 9,6%, gạo giảm 67,5%, cà phê giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
"Căn cứ trên tình hình thực tế hiện nay, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và có thể ở mức cao hơn 5% so với năm 2018", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo.
Tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức: Thứ nhất, Trung Quốc chuyển hình thức thương mại tổng hợp sang nhất thể từ ngày 1/6, hàng hóa của Việt Nam không còn dễ dàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới. "Đây là đòi hỏi lớn và yêu cầu chính đáng của nước bạn. Người dân ở đâu cũng đòi hỏi nông sản chất lượng. Trước mắt điều này sẽ khó khăn nhưng chúng ta phải thích nghi, để đáp ứng các yêu cầu".
Thứ 2, Trung Quốc thay đổi cơ quan quản lý, từ Tổng cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, bảo vệ thực vật, kiểm dịch… dồn vào Tổng cục hải quan.
Thứ 3, Trung Quốc tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Thời gian qua, thị trường này giảm nhập khẩu gạo của Việt Nam do chú trọng phát triển mặt hàng này. Trung Quốc cũng phát triển 40.000 ha trồng thanh long và tiền tới nuôi trồng thủy sản cũng sẽ là thách thức cho Việt Nam.
"Không còn một mình một chợ được nữa. Dung lượng thị trường có vậy, Trung Quốc vươn lên nếu Việt Nam không tính toán sao được", ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, chiến tranh thương mại, cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải nhận diện nếu muốn tiếp tục phát triển.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, bối cảnh thị trường Trung Quốc thay đổi, là thị trường khó tính, yêu cầu nông sản, chất lượng cao an toàn, mẫu mã đẹp. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao cấp, trong đó có hàng nông sản, thủy sản.
Trong khi đó, nhận thức các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn coi Trung Quốc như chợ biên giới. Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đi bằng hình thức mang hàng ra chợ biên giới bán mà không quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu người mua; bao bì đóng gói, đệm lót, nhãn mác tùy tiện.
Do đó, theo bà Oanh, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch; nâng cao chất lượng, an toàn, mẫu mã sản phẩm; nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc, nắm chắc và vận dụng ưu đãi thuế quan, hạn ngạch thuế quan… không coi Trung Quốc là thị trường dễ tính.
Bà Oanh lấy dẫn chứng câu chuyện của vải Bắc Giang hay nhãn Lạng Sơn, Hưng Yên thành công là do thay đổi tư duy thị trường, không coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, tổ chức sản xuất theo đúng thị hiếu, dung lượng thị trường, chọn giống, kết nối doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại bài bản, kết nối hệ thống phân phối Trung Quốc..", bà Oanh nói.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Trung Quốc tăng cường quản lý nông thủy sản nhập khẩu, thắt chặt tiêu chuẩn ATTP là xu thế tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nông thủy sản Việt chưa đáp ứng tốt các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì; doanh nghiệp Việt chưa chủ động nghiên cứu tìm hiểu chính sách, thị hiếu thị trường; duy trì tập quán làm ăn nhỏ lẻ, chưa bài bản, chính quy…
Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng đây vẫn là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc không chỉ với 1,4 tỷ dân mà GDP đầu người hiện nay là 11.000 USD, đây là dung lượng thị trường cực lớn về nông sản. Đặc biệt, dự báo đến năm 2030, số triệu phú của Trung Quốc chiếm đa số trên thế giới. Khi đó, nhu cầu về các sản phẩm cao cấp cũng sẽ được tăng lên. Bộ trưởng Cường nhận định đây là một cơ hội để Việt Nam tận dụng. Trung Quốc đang tập trung cải cách nông nghiệp, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa của nước này đang đạt 60% diện tích. Tỷ trọng nông nghiệp đang giảm rất nhanh khi phía Bắc và phía Đông chịu tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Việt Nam đã tái cơ cấu, đưa ra sản phẩm tốt. "Một bên cần và một bên có. Các nhóm nông sản Việt Nam lại mang tính bổ trợ cho nông sản Trung Quốc. Riêng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2018, đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 22% giá trị nông sản. Những năm qua đã chứng minh 2 bên cần nhau, bổ trợ cho nhau", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đây là thị trường quan trọng với nông sản Việt Nam, đặt ra nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Điều này đòi hỏi tất cả cùng vào cuộc, cả 3 trục chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân phải phối hợp thật tốt với nhau để khai thác được lợi thế", Bộ trưởng nói.
Theo Infornet