Hồ Chí Minh,

Từ offline đến online: Đấu tranh chống hàng giả cần có giải pháp mới

Định Khang  22/01/2023 00:00

Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm. Năm 2022 gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid 19, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều thương nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong Đại dịch, đặc biệt với một số nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi do nhu cầu tiêu dùng tăng cao như nhóm thực phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, v.v...


Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2021 đã đạt 54,6 và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 251 đô la/năm. Dự báo, năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo báo cáo do eMarketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (NGXX) trên thị trường, ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, các cán bộ, công chức làm công tác thực thi pháp luật, quản lý thị trường cần tìm hiểu, nhận thức rõ các phương thức, thủ đoạn của đối tượng để từ đó có những giải pháp đấu tranh phù hợp.

Hành vi tiêu dùng thay đổi, Phương thức kinh doanh thay đổi

Thời gian qua, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trở lên hấp dẫn hơn mua sắm truyền thống do hình thức mua sắm này thuận tiện hơn, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, giao dịch nhanh chóng hơn, tìm hiểu thông tin và so sánh sản phẩm dễ dàng, khuyến mại nhiều hơn dưới hình thức mã giảm giá hay phí vận chuyển và phương thức thanh toán thuận lợi, giao hàng nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng thay vì phải đi đến các cửa hàng hay trung tâm thương mại. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng còn có xu hướng “nghiện” mua sắm trên các website, ứng dụng TMĐT. Song hành cùng thói quen mua sắm trực tuyến và sự phát triển của TMĐT, nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng này để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ NGXX.

Trong môi trường truyền thống, các thương nhân có thể bán hàng tại cửa hàng hoặc bán tại ki ốt/sạp hàng trong các chợ, trung tâm thương mại, v.v…thì trên môi trường trực tuyến cũng có những nét tương đồng, đó là: (1) thương nhân có thể bán hàng trực tuyến trên website hoặc các trang mạng xã hội (ví dụ facebook fanpage, kênh youtube, v.v…) của mình thiết lập hoặc (2) bán qua các kênh trung gian như: Sàn giao dịch TMĐT (Ví dụ như các Sàn Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Voso, Postmart…), các hội nhóm trên mạng xã hội (là rao vặt, đăng tin mua/bán).

Đối với các thương nhân thiết lập website TMĐT bán hàng để bán hàng hóa của mình thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ít xảy ra vì thương nhân bán hàng thường là các đơn vị có địa chỉ rõ ràng, phải thực hiện thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương (nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến) và phải công khai các chính sách, quy định khi bán hàng trực tuyến (ví dụ: Thông tin về điều kiện giao dịch chung: Thông tin về vận chuyển, giao nhận, thông tin về phương thức thanh toán, giá cả, v.v…) do vậy việc kiểm soát và xử lý có phần đơn giản hơn khi có vi phạm xảy ra. Do vậy, nhiều đối tượng có xu hướng lợi dụng kẽ hở của các Sàn giao dịch TMĐT và các trang mạng xã hội để bán hàng giả, hàng nhái.

Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP: Sàn giao dịch TMĐT phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ và phải phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ..; Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước như Công An, Quản lý thị trường, Thanh tra,… điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT.


Sàn giao dịch TMĐT cũng tương tự như chợ, trung tâm thương mại - là môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành kinh doanh. Hàng hóa bày bán trên Sàn là do người bán tự đưa lên theo quy định về cấu trúc thông tin mà Sàn đưa ra. Chủ sàn không có đủ thẩm quyền, nhân sự, công cụ và năng lực để xác định hàng hóa nào là thật, giả. Hơn nữa, chưa có quy định phải đăng tải công khai thông tin người bán trên các Sàn giao dịch TMĐT hay các trang mạng xã hội. Do vậy, Việc kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng bán hàng trên các Sàn giao dịch TMĐT hay các trang mạng xã hội thường gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Nguyên nhân và thách thức đặt ra

Thứ nhất, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời; tạo nhiều gian hàng bán trên nhiều Sàn TMĐT khác nhau, v.v…

Thứ hai, các gian hàng và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát.

Thứ ba, việc đưa thông tin lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật hoặc hình ảnh được xóa mờ hình ảnh/thương hiệu nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Thứ tư, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết.

Thứ năm, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Thứ sáu, công tác phối hợp còn yếu: Cụ thể việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong TMĐT như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, KHCN, Y tế, ...vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, bản thân sự phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối với các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Các chủ sở hữu không muốn công khai cách nhận biết hàng thật - hàng giả do lo ngại các đối tượng làm hàng giả.

Ngoài ra, trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các Sàn giao dịch TMĐT rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...còn gặp một số khó khăn như: 1) Các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. 2) Các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của Sàn. Cụ thể, đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán (ví dụ sản phẩm NIKE) để tránh bị kiểm soát, người bán đăng bán sản phẩm tương tự N.I.K.E, N_IK_E, NI _KE, v.v... hoặc thậm chí có đối tượng bán mặt hàng cấm không đưa rõ/làm mờ hình ảnh sản phẩm/thương hiệu hoặc đưa một tên khác rất khó phát hiện, ví dụ bán lá cây cần sa nhưng đối tượng rao bán Lá cây đu đủ, cỏ mỹ... Một số đối tượng còn cố tình tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng.

Bên cạnh đó, còn có một số hiệu tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, khó xác định kho bãi, nguồn gốc hàng hóa, làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra hết sức khó khăn

Nhiều vụ việc lợi dụng TMĐT để bán hàng giả, hàng nhái bị phát hiện và xử lý

Tính đến hết năm 2021, Bộ Công Thương (nòng cốt là Tổng cục QLTT, Cục TMĐT và KTS) đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Một số vụ việc lớn về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ điển hình trong những năm qua đã được phát hiện và xử lý như:

STT

Đơn vị/cá nhân

Website/facebook

Sản phẩm tạm/thu giữ

Năm

1

TS Việt Nam

tsnatural.com.vn

14,000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng

2017

2

Thắng Huyền mobile

facebook.com/wine1973

1.262 điếu xì gà

2018

3

Menshop79

menshop79.com và menshopfashion.com

2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, … Giá trị hơn 20 tỷ đồng.

2019

4

Ansan Cosmetics

ansancosmetics.com

7.678 đơn vị sản phẩm và xử phạt VPHC là 123 triệu đồng.

2020

5

YuMe, Taga, Phương Hà, Thủy Ngân và Việt Hằng

phuonghahamnghi.vn, myphamcuaphung.com, taga.vn, youmefashion.vn

20.876 sản phẩm các loại: TPCN, nước hoa, túi xách, thắt lưng, ví, giầy, quần áo...

2020

6

Phụ tùng Anh em

Xe máy vũ trụ

vutru.vn, phutunganhem.com

33.069 sản phẩm trị giá gần 1,1 tỷ đồng

2020

7

145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, TP. Lào Cai

“Giày Đồng Giá 11”

“Thảo Trần”

237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm

2020

8

Vụ Bản, tỉnh Nam Định

The Queen Shop;

Trang Anna (The Queen)...

20.000 – 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès

2021

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công An, Bộ Y Tế, v.v… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Chuyển hồ sơ Công An xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm. Năm 2022 gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Thứ nhất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ, lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và nghị định 85/2021/NĐ-CP để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác QLNN và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Thứ hai, Tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Bộ Công Thương và các Bộ Công An, Bộ Tài chính, v.v… về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả để xử lý.

Thứ ba, Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT cho các cán bộ Quản lý thị trường.

Thứ tư, Tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần tuyên truyền để doanh nghiệp cần hiểu và có trách nhiệm bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình, cố gắng làm sao xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình, doanh nghiệp cần dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả chỉ là của cơ quan chức năng. Các sàn TMĐT cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp. Về phía người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Tiếp tục thực hiện các Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến;

Thứ năm, Xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bộ ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong TMĐT;

Cuối cùng, trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán có phần công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại,v.v… TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch…Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước, v.v.. cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu hoặc đấu tranh phát hiện sớm các hành vi vi phạm liên quan tới các vấn đề gian lận thương mại, trốn thuế… Do vậy, cần sớm trình Chính phủ phê duyệt và đẩy mạnh triển khai “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025” theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/tu-offline-den-online-dau-tranh-chong-hang-gia-can-co-giai-phap-moi-94677.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.