Thông tin về mối quan hệ hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải nhận định, thương mại là một trong năm trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ lần đầu tiên vượt 15 tỷ USD, đưa Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn thấp xa so với tiềm năng và kỳ vọng.
“Còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để hai bên cùng phát triển. Hiện Ấn Độ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Việt nam chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ”, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải đánh giá.
Doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc mở nhà máy chế biến thủy sản tại Ấn Độ
Đánh giá cụ thể về tiềm năng hợp tác phát triển ngành thủy sản giữa Việt Nam - Ấn Độ, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho rằng, tiềm năng hợp tác còn rất lớn.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2022 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra, cá basa đạt hơn 6,7 tỷ USD, chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam là nước nhập khẩu thủy hải sản lớn thứ 4 của Ấn Độ với giá trị khoảng 440 triệu USD trong năm 2022. Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu Thủy sản lớn nhất của Ấn Độ với giá trị gần 2 tỷ USD, tiếp theo thị trường Trung Quốc 1,26 tỷ USD và Nhật Bản 444 triệu USD.
Theo ông Alex K Ninan, Chủ tịch khu vực phía Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ cho biết, Việt Nam đã đi trước và có công nghệ hiện đại trong chế biến sản phẩm thủy sản, ông khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc mở nhà máy chế biến thủy sản tại Ấn Độ.
Trước đó, giữa năm 2022, ông K.S.Sreenivas - Giám đốc Sở Thủy sản bang Kerala, Ấn Độ cũng chia sẻ, các tỉnh ven biển Việt Nam và bang Kerala có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong kinh doanh, đầu tư sản xuất các sản phẩm thủy hải sản. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp Ấn Độ cần phải học tập các doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa trong việc tạo ra các sản phẩm chế biến giá trị cao, đầu tư vào dây chuyền sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Trong khi các sản phẩm của Ấn Độ chỉ tăng khoảng 10% giá trị thì Việt Nam có những sản phẩm chế biến tăng thêm 35% giá trị sản phẩm.
Ông K.S.Sreenivas khẳng định, Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm thủy hải sản. Các doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến, gia tăng giá trị và xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp xin Giấy cấp phép sản xuất để thay thế Giấy phép nhập khẩu vệ sinh và Chứng chỉ không có mầm bệnh đối với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng với trang thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Khi đó, Ấn Độ có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô từ Việt Nam mà Ấn Độ không thể sản xuất hoặc sản xuất với chi phí cao hơn.
Về phía Bộ Công Thương, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, Bang Kerala nói riêng và Ấn Độ nói chung và Việt Nam đều có nhiều cơ hội trong lĩnh vực hàng hải cũng như các lĩnh vực nông nghiệp do có điều kiện khí hậu tương tự nhau. Cả hai đối tác đều xuất khẩu thủy sản và sản phẩm chế biến nên hai bên có thể hợp tác tìm nguồn nguyên liệu.
Ông Đỗ Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, giải đáp các vướng mắc và đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp vượt qua những khác biệt, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và bang Kerala nói riêng.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường