Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng 2,3 con số
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 01/2023, so với tháng 2/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Liên quan đến diễn biến giá, tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.174 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 01/2023 và giảm 5,7% so với tháng 2/2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá
Về thị trường xuất khẩu, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: An-giê-ri, Hà Lan, Mê-hi-cô, Nga, Ý…
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Tây Ban Nha
Riêng đối với thị trường Tây Ban Nha, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất (tính theo lượng) cho Tây Ban Nha trong năm 2022, đạt 113,55 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 269 triệu EUR (tương đương 287 triệu USD), tăng 21,6% về lượng và tăng 78,9% về trị giá so với năm 2021.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thế giới tăng từ 27,53% trong năm 2021 lên 30,16% trong năm 2022.
Ngược lại, Tây Ban Nha giảm nhập khẩu cà phê từ In-đô-nê-xi-a trong năm 2022, giảm 23,2% về lượng, nhưng tăng 12,5% về trị giá so với năm 2021, đạt 20,5 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu EUR (tương đương 50,11 triệu USD). Thị phần cà phê của In-đô-nêxi-a trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thị trường thế giới giảm từ 7,87% trong năm 2021 xuống 5,45% trong năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong khối EU, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 7 và đối tác nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam.
Trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 (là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay).
Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 2,96 tỷ USD, tăng 16,34% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tây Ban Nha đạt 572,69 triệu USD, giảm 1,59% so với năm ngoái.
Đặc biệt, quan hệ song phương hai quốc gia có nền tảng tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực. Đây chính là trụ cột và động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên một tầm cao mới.
Nhận định từ các chuyên gia, hợp tác thương mại song phương đã duy trì đà tăng trưởng tốt trong 8 năm qua và Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo xung lực mới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên bật tăng mạnh từ tháng 8/2020 khi gần như 100% dòng thuế xuất nhập khẩu về 0% theo lộ trình từ 7-10 năm.
Vị trí chiến lược của hai nước nằm ở cửa ngõ những khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và châu Âu giúp hai nước trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 quốc gia trên thế giới; trong đó, những FTA quan trọng mở cửa nhiều thị trường lớn nhất thế giới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Khu vực mâụ dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP)... giúp Việt Nam có khả năng trở thành một trung tâm quan trọng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2022-2025, phân khúc càphê của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng trưởng 6,84%. Do đó, thị trường Tây Ban Nha vẫn còn nhiều dư địa phát triển và là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu càphê.
Để nắm bắt cơ hội tăng cường xuất khẩu càphê sang Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng các địa phương và hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Thương vụ tổ chức các tọa đàm giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội ngành hàng của hai nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà nhập khẩu, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang kết nối, trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tại Tây Ban Nha.
Mặt khác, các địa phương, hiệp hội cung cấp cho Thương vụ danh sách các doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh tương ứng để hỗ trợ kết nối giao thương thường xuyên tại các sự kiện xúc tiến thương mại-đầu tư thời gian tới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường