Ngày 22/2/2023, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng với Vương quốc Anh (UK) để thảo luận về tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc này.
Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Shigeyuki Goto - Chủ tịch Nhóm công tác đàm phán gia nhập với UK - với sự tham gia của Bộ trưởng và quan chức cấp cao các nước Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Việt Nam cùng Bộ trưởng phụ trách Kinh doanh và Thương mại của Vương quốc Anh. Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng Đoàn đại biểu tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng các nước đã thảo luận và thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán nhằm giữ vững tiêu chuẩn cao về mức độ cam kết và mức độ mở cửa thị trường của Hiệp định.
Nhân dịp này, Bộ trưởng các nước cũng đã chào đón Chi-lê chính thức trở thành Thành viên thứ 10 của Hiệp định, sau khi CPTPP đã có hiệu lực tại nước này từ ngày 21/2/2023 vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các nước CPTPP để sớm kết thúc việc đàm phán gia nhập Hiệp định của UK
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các nước CPTPP để sớm kết thúc việc đàm phán gia nhập Hiệp định của UK trên tinh thần vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn cao của Hiệp định.
“Sự tham gia của UK - một trong những cường quốc kinh tế với trình độ phát triển hàng đầu thế giới sẽ không chỉ mang lại cơ hội tuyệt vời về thương mại và đầu tư cho mỗi nước, mà còn khẳng định vị thế của CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế khu vực của thế kỷ 21”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Sau cuộc họp này, Phiên đàm phán tiếp theo giữa các nước CPTPP và UK sẽ được tổ chức từ ngày 27/2/2023 tại Phú Quốc.
Vương quốc Anh đệ đơn gia nhập CPTPP vào đầu năm 2021.
CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Tổng cộng, các nước này có 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu. Nếu có thêm sự tham gia của Anh, tỷ lệ này sẽ là 16%.
Hiệp định CPTPP là dấu hiệu cho thương mại tự do và các tiêu chuẩn cao trong một khu vực mà cuộc cạnh tranh giữa thương mại dựa trên quy tắc và các thực hành không công bằng đặc biệt gay gắt. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, các điều khoản hỗ trợ các luồng dữ liệu xuyên biên giới miễn phí và đáng tin cậy cũng như các biện pháp để giải quyết các hành vi bóp méo thị trường là tất cả các nguyên tắc mà các nước thành viên hướng tới.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường