Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và UKFTA đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và những lưu ý cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 10/5, tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia các FTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đang thực thi 15 FTA, vừa ký 1 FTA với Israel và đang đàm phán 2 FTA với khu vực Bắc Âu và các tiểu vương quốc Ả Rập. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực, tiêu dùng của các thị trường suy giảm, các quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là EU và Anh sẽ tìm cách bảo vệ hàng hóa của thị trường nội địa bằng các biện pháp phòng vệ thương mại song song với các công cụ khác như nâng cao tiêu chuẩn, quy định cho hàng hóa nhập khẩu. Điều này tạo ra thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Trang Nhung cho biết, việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mặt đối mặt với nhiều khó khăn như khác biệt về nội luật, quy định thủ tục, trình tự của các nước
Bà Nguyễn Trang Nhung, Cán bộ Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương cho biết, theo số liệu của WTO, từ trước đến này trên thế giới đã có 6.733 vụ điều tra về phòng vệ thương mại, trong đó nhóm ngành thép là đối tượng bị điều tra nhiều nhất, tiếp đó là nhóm ngành hóa chất, nhựa và cao su.
"Việt Nam đã phải đối mặt với 288 vụ điều tra về phòng vệ thương mại từ trước đến nay. Riêng tại thị trường châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, giai đoạn 1999 - 2005, Việt Nam đã phải đối mặt 10 vụ điều tra phòng vệ thương mại của EU đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm 2005 - 2018, Việt Nam đã giảm số lượng phòng vệ thương mại xuống còn 4 vụ. Đặc biệt, từ năm 2018 cho đến nay, Việt Nam chưa phải đối mặt với vụ phòng vệ thương mại mới", bà Trang Nhung thống kê.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Việt Hà, Cán bộ Phòng pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, tuy đó là một tín hiệu tích cực, thế nhưng không có gì đảm bảo EU và Vương quốc Anh sẽ không tiếp tục tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.
"Tần suất xuất nhập khẩu giữa các nước tham tăng lên rất nhiều sau khi Hiệp định EVFTA và UKFTA được thực thi. Với mức độ gia tăng tần suất như thế, việc các quốc gia thuộc khối EU và Vương quốc Anh gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ tài sản trong nước là một điều dễ hiểu.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải tìm hiểu trước xem các mặt hàng xuất sang EU hay Vương quốc Anh liệu có rơi vào trường hợp bị điều tra về phòng vệ thương mại”, bà Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Trang Nhung cho biết, việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mặt đối mặt với nhiều khó khăn như khác biệt về nội luật, quy định thủ tục, trình tự của các nước; khác biệt về ngôn ngữ trong việc nghiên cứu, cung cấp thông tin; hạn chế về hiểu hiểu về phòng vệ thương mại...
Do đó, bà Trang Nhung khuyến nghị các doanh nghiệp có thể cân nhắc về việc thuê luật sư để hỗ trợ tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại. Dù mức giá thuê luật sư tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, nhưng chi phí cũng sẽ mất khoảng hơn 100.000 USD đến vài trăm nghìn USD cho một vụ kiện và mỗi vụ kiện thường sẽ kéo dài tới 1-2 năm. Do đó, chi phí thuê luật sư là khá lớn nên doanh nghiệp cần có dự trù tài chính và chuẩn bị về chiến lược kinh doanh.
Doanh nghiệp phải tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại; Thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với Hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng một hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại, thực hiện Quyết định 1659/QĐ-TTg trong việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với Hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng một hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.
Nhằm tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA và UKVFTA, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về hàng hóa, trong đó xuất xứ là biện pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Hàng hóa của các doanh nghiệp cần phải có C/O nhằm xác minh nguồn gốc và được nhận các ưu đãi về thuế.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường