Xuất khẩu rau quả chế biến tăng trưởng khả quan
Bản tin Thị trường Nông-Lâm-Thủy sản số ra ngày 31/5/2023 của Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng 137,7% so với tháng 5/2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan
“Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan”, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá và cho biết, hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng rất mạnh, đạt 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.
Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối.
Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
“Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các chủng loại quả của Việt Nam”, Cục Xuất nhập khẩu dự báo.
Sau hoa quả tươi, xuất khẩu các loại sản phẩm chế biến trong 4 tháng đầu năm 2023 cũng tăng, tăng 22,9% so với cùng kỳ, đạt 356,4 triệu USD. Chủng loại sản phẩm chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022.
Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu, bởi hiện tại nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng trị giá xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới.
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Nhật Bản
Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trị giá nhập khẩu quả chuối (HS 0803) của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 231,6 nghìn tấn, trị giá 22,3 tỷ Yên (tương đương 174,6 triệu USD), giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 105 nghìn Yên/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhật Bản nhập khẩu chuối chủ yếu từ thị trường Philippines, chiếm 80% tổng lượng chuối nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023. Các thị trường cung cấp khác gồm: Ecuador, Mexico, Guatemala...
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Nhật Bản
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Nhật Bản, nhưng lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2023.
Tại Nhật Bản, chuối nằm trong số trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, Nhật Bản có tiêu chuẩn cao đối với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để khai thác thị trường Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú ý đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng.
Đặc biệt cần các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Theo Tạp chí Quản lý thị trường