Thông tin được lãnh đạo Bộ Công thương chia sẻ tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc chiều 13/6.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân là do bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động, nhất là cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu…
Trung Quốc cũng đang thay đổi chính sách, kiểm soát chặt hơn các điều kiện nhập khẩu, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Trần Tuấn Anh, đây là xu thế tất yếu, không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường khác cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt hơn để đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Đáng chú ý, trong khi Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn trong chính sách nhập khẩu nông thủy sản thì các doanh nghiệp Việt Nam lại "thiếu chuyên nghiệp" và còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiểu ngạch.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, gần đây việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm, hàng hoá ùn ứ cửa khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do tiêu thụ nội địa giảm, Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách tự cung tự cấp, đồng thời đẩy mạnh chính sách kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, nông thuỷ sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững trong khâu tổ chức sản xuất, xuất khẩu, khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khó truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chủ quan, có tâm lý coi Trung Quốc là thị trường dễ tính.
Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng đây vẫn là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Theo TH&CL