Bản tin thị trường Nông-Lâm-Thủy sản số ra ngày 11/7 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong nửa đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan và có thêm nhiều tín hiệu xuất khẩu tích cực trong nửa cuối năm.
Cụ thể, dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 662,1 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng 5/2023 và tăng 158,2% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam được kỳ vọng phục hồi tích cực trong nửa cuối năm
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu rau quả tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm 2022 đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi.
Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng rau quả của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong nửa đầu năm 2023 tới thị trường Trung Quốc đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng mạnh sang thị trường Trung Quốc góp phần thúc đẩy trị giá xuất khẩu của mặt hàng rau quả tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 65,8% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong các thị trường nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, Canada được đánh giá là một trong nhiều thị trường tiềm năng. Bởi, theo số liệu thống kê Cơ quan thống kê Canada, nhập khẩu chủng loại quả và quả hạch (mã HS 08 trừ đi mã 080131 và 080132) của nước này trong tháng 4/2023 đạt 445,7 triệu USD, giảm 8,5% so với tháng 4/2022. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chủng loại quả và quả hạch của Canada đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoa Kỳ và Mexico là 2 thị trường cung cấp chính chủng loại quả và quả hạch cho Canada trong 4 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 50,6% tổng trị giá nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 478,5 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là Mexico đạt 427,7 triệu USD, giảm 2,3%.
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2023 Canada còn nhập khẩu quả và quả hạch từ một số thị trường khác như: Peru, Chile, Guatemala, Maroc... Trong khi đó, Việt Nam là thị trường cung cấp quả và quả hạch lớn thứ 12 cho Canada, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh, đạt 8,2 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, do vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, dư địa cho chủng loại quả và quả hạch của Việt Nam xuất khẩu tới Canada còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 0,5% tổng trị giá nhập khẩu quả và quả hạch của nước này.
“Hiện nay, Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Châu Á, đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu quả và quả hạch tiếp cận thị trường này”, Cục Xuất nhập khẩu thông.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu sang thị trường Canada các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các thị trường cung cấp như Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ do vị trí gần hơn và chi phí vận chuyển thấp. Hơn nữa, nhiều nước Nam Mỹ bắt đầu đầu tư mạnh vào việc phát triển các cây ăn quả nhiệt đới tương tự của Việt Nam: mít, xoài, vải, chôm chôm, na, thanh long, măng cụt và đẩy mạnh xuất khẩu vào Canada trong những tháng gần đây...
Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam cũng cần tập trung vào công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu rộng rãi những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đến gần hơn với người dân ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường