Hồ Chí Minh,

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng phục hồi nửa cuối năm

Định Khang  16/06/2023 14:50

Sau khi giảm gần 30% trong 5 tháng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm kỳ vọng vào tiêu thụ từ Mỹ, sức mua ổn định của thị trường EU và dư địa gia tăng thị phần ở Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau khi lập đỉnh xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm ngoái, từ cuối năm 2022 đến nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục giảm, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong Quý III/2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho rằng, năm 2023 là một nốt trầm của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia...


5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022

Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.

Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ - giảm hơn 50% so với cùng kỳ; thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, quốc gia suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ... đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của chúng ta.

Theo một số dự báo, nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong Quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý 3 như những dự báo trước đây.

Trong khi đó, ngành thủy sản vẫn đang phải giải quyết nhiều vấn đề. Đó là thẻ vàng IUU và những qui định thủ tục đối với hải sản khai thác xuất khẩu sang thị trường EU; những qui định “IUU” của Nhật Bản và Hoa kỳ (SIMP), và xu hướng này có thể tiếp tục tại những thị trường khác…

"Vị thế trên đường đua bị “đe dọa” khi các nước sản xuất thủy sản khác đang nổi lên mạnh mẽ, từng bước chiếm vị thế cạnh tranh bằng nguồn cung lớn, giá thành rẻ hơn và bằng sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ các nước", bà Thu Sắc cảnh báo.


VASEP dự báo, thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt

Xong theo VASEP, so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 đạt 11 tỷ USD, đến cuối Quý II, trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu xuống còn 9 tỷ USD.

VASEP dự báo, thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong nửa cuối năm sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhu cầu tăng nhẹ từ cuối Quý III.

"Một số thị trường có dấu hiệu tương đối rõ nét, giúp doanh nghiệp có niềm tin hơn. Bên cạnh đó những tác động của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ và biện pháp kích cầu cũng hy vọng tâm lý người nuôi ổn định hơn", Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thông tin.

Dù tín hiệu thị trường đã cải thiện, nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ ra thách thức trong nửa cuối năm là cạnh tranh về giá thành, nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng.

"Đưa giá thành xuống. Thay vì họ ăn thủy sản giá cao, nếu mình phối chế giữ nông sản và thủy sản, thì phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng hiện nay", bà Dương Ngọc Kim, Tổng Giám đốc Khang An Foods, cho hay.

"Làm sao giảm được giá thành tôm nuôi trong nước. Phát huy được thế mạnh của ngành tôm là trình độ chế biến. Một yếu tố hết sức căn bản là không thể bán với bất kỳ giá nào", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói.

Trong bối cảnh tràn ngập khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, dù nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo việc làm cho người lao động, duy trì, đa dạng hóa thị trường và vượt rào cản thương mại. Tuy nhiên, ngành này vẫn cần bệ đỡ để lấy đà hồi phục trong năm tiếp theo.

Do vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Hiệp hội VASEP trong thời gian tới đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với người nuôi trồng thủy sản và Chính phủ; tập trung thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo, VASEP cần thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững. VASEP cũng phải tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất.

Trước đó, ngày 8/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giao thương nông sản và tháo gỡ tình trạng ùn tắc.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đã được cơ quan chức năng phía Việt Nam kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc và đề xuất.

Cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam tăng cường giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin xử lý kịp thời vướng mắc nâng cao năng lực thông quan.

Tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hằng năm giữa Cục Hải quan tỉnh với các cơ quan chức năng của Việt Nam và cử các đơn vị đầu mối thường xuyên liên hệ, trao đổi công việc.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/xuat-khau-thuy-san-ky-vong-phuc-hoi-nua-cuoi-nam-95928.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.