Phiên thảo luận của tổ 12 về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cụ thể, trong phiên thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, qua phản ánh của báo chí cho thấy có các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng nhưng không đạt được chất lượng, không đạt được nhu cầu nhưng người tiêu dùng không biết đi đâu để giải quyết. Người dân dường như cũng không hiểu được luật này được triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi của họ trong giao dịch, sử dụng các dịch vụ, hàng hóa, hành nghề. Khi đó, người tiêu dùng hết sức thiệt thòi, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng việc sửa đổi Luật lần này sẽ khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời để kịp thời nắm bắt và cập nhật theo kịp những diễn biến mới của thị trường như thị trường giao dịch điện tử hiện nay. Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử là đứng hàng đầu thế giới. Đại biểu chia sẻ, thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do người tiêu dùng đặt hàng mua sản phẩm, mua hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên đây là vấn đề Luật hiện hành chưa có quy định nên phát sinh nhiều hạn chế, bất cập.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định cụ thể của dự thảo để bảo đảm tính khả thi, thống nhất. Cho ý kiến về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, Khoản 1 Điều 77 quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất, tiêu dùng bền vững tại địa phương.
Theo đại biểu Lã Thanh Tâm, quy định như dự thảo được hiểu áp dụng chung cho cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã mà không chỉ ra được thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành trong phạm vi nào thì sẽ khó khả thi. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định quản lý hoạt động khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để bảo đảm khả thi và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là nguồn lực để rồi của cấp huyện, cấp xã để tổ chức thực hiện trách nhiệm này.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với tình hình thực tế cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định đảm bảo nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị rà soát lại các giao dịch đặc thù thì ngoài việc căn cứ vào cách thức để giao dịch cũng rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Đại biểu bày tỏ mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này.
Trao đổi, làm rõ về tính khả thi của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là các quy định mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để cụ thể hóa một số quy định, bảo đảm tính khả thi, tránh việc quy định chung, khó định lượng. Đồng thời nghiên cứu, thu hút các quy định trong văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn và đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi của các quy định mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật
Theo Bộ trưởng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.
Lý giải việc việc dự thảo Luật lần này bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp.
Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức, quá trình trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm người tiêu dùng, cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.
Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…
Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.