Các Bộ, ngành đồng hành và ủng hộ
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá, trong năm 2022 dù còn rất nhiều khó khăn, song Bộ Công Thương đã đạt 3 kết quả hết sức có ý nghĩa. Trước hết là đã duy trì thành tích xuất khẩu ấn tượng. Thứ hai, có quan hệ thương mại đầu tư với hơn 220 thị trường nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng trong ổn định tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước. Thứ ba, đảm bảo nguồn cung hàng hóa và bình ổn giá thị trường trong bối cảnh giá cả một số hàng hóa bị ảnh hưởng mạnh bởi thị trưởng thế giới.
“Năm 2022, ngành Công Thương là một trong những ngành chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất từ suy giảm tăng trưởng kinh tế - thương mại và các thách thức toàn cầu. Do đó, những thành tích của ngành Công Thương đạt được trong năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, dù đã đạt được được những thành tích rất đáng ghi nhận, song đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho rằng dự báo trong năm 2023, ngành Công Thương đang tiếp tục đứng trước rất nhiều yêu cầu phức tạp và khó khăn song cũng có nhiều cơ hội mà ta có thể tranh thủ và tận dụng. Do vậy, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tiếp tục củng cố và thúc đẩy động lực xuất khẩu, coi đây là một trong những yêu cầu rất cấp thiết của năm 2023.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường lồng ghép các nội dung về kinh tế - thương mại trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, tận dụng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp để thúc đẩy kinh tế - thương mại và tăng cường kinh tế thương mại để củng cố quan hệ song phương.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các FTA, nhất là các FTA “thế hệ mới”, nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại ổn định với các đối tác quan trọng. Thúc đẩy đàm phán FTA với các thị trường tiềm năng và tận dụng các lĩnh vực xuất khẩu mới (như thị trường thực phẩm Halal).
Chung quan điểm, đánh giá về hoạt động của ngành Công Thương trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, năm 2022 Bộ Công Thương có vai trò quan trọng trong duy trì chuỗi cung ứng.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2022 là năm đặc biệt của ngành Nông nghiệp khi toàn ngành gặp khó khăn do dịch bệnh, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài đứt gãy. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã vào cuộc, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì chuỗi cung ứng nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm 2022 và đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy, gắn kết giữa hai Bộ ngành. Ảnh Báo Công Thương
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, hai Bộ Nông nghiệp và Công Thương đã ký bản ghi nhớ với 8 nội dung phối hợp. Năm vừa qua, hai Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ để thực hiện bản ghi nhớ này”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh và dẫn chứng, khi nông sản ùn tắc tại một số cửa khẩu, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ và đích thân các lãnh đạo Bộ, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần lên biên giới để cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản.
“Năm 2022, ngành nông nghiệp tăng trưởng trên 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD, thặng dư 10 tỷ USD. Kết quả này có sự hỗ trợ của các tham tán thương vụ các thị trường nước ngoài nói riêng và Bộ Công Thương trong tháo gỡ khó khăn, giúp ngành Nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá và đề xuất, năm 2023, hai Bộ cần phối hợp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các Tham tán Thương mại để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích các sản phẩm ở cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Xác định vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, do vậy, vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã gửi Bộ Công Thương về đề án thương hiệu quốc gia nhằm phối hợp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành nông sản. Bộ cũng mong muốn Bộ Công Thương phối hợp để nâng cao năng lực cơ giới hóa ngành nông nghiệp.
Doanh nghiệp đồng lòng, quyết tâm bứt phá
Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp cùng cho rằng, năm qua, bên cạnh những chính sách lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển phụ hồi và phát triển thì vai trò của ngành Công Thương là vô cùng quan trọng. Những quyết sách lớn của ngành luôn bám sát thực tiễn và có ý nghĩa thiết thực này, hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo đà phục hồi nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực Vincommerce, Công ty CP Tập đoàn Masan cho biết, Tập đoàn Masan là một trong những Tập đoàn hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng lớn mạnh nhất tại Việt Nam, có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, và bán lẻ các hàng hóa thực phẩm và nhu yếu phẩm.
“Với hơn 42,000 cán bộ công nhân viên, vận hành 32 nhà máy nhà máy, 14 nông trường WinEco quy mô lớn, có mặt tại hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, cùng hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thực phẩm thiết yếu với hơn 3500 siêu thị và cửa hàng Winmart, hiện có mặt tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc”, bà Nguyễn Thị Phương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phương cho biết, năm 2022, Tập đoàn đã nhận được sự đồng hành, sát cánh của các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu
Riêng với ngành Công Thương, theo lãnh đạo Tập đoàn Masan, từ góc độ tập trung phát triển thị trường nội địa như Masan và chuỗi bán lẻ WinMart, Tập đoàn đã nhận được sự đồng hành, sát cánh của Vụ Thị trường trong nước, của Cục xúc tiến thương mại và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối hàng hóa, cùng rất nhiều chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt.
“Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt qua hệ thống phân phối - bán lẻ luôn đạt trên 80%. Phát huy thành quả này, trong năm 2023, với sự đồng hành và hỗ trợ của Bộ Công Thương, WinMart sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các chương trình tuần hàng Made in Vietnam – Tinh hoa hàng Việt quy mô lớn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Phương bày tỏ.
Song bà Phương vẫn cho rằng, thách thức hiện hữu của các nhà bán lẻ nội địa chính là năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ FDI về quy mô không chỉ ở Việt Nam, với lợi thế chuỗi liên kết toàn cầu giữa các Nhà sản xuất và nhà bán lẻ FDI. Ngoài ra, các chi phí cao từ logistics, chi phí thuê mặt bằng cao cũng đặt ra những bài toán lớn đối với các nhà bán lẻ.
“Về phía Tập đoàn Masan và chuỗi bán lẻ WinMart tiếp tục cam kết thực thi các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành, đồng hành cùng các chương trình hành động của Bộ Công Thương, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu năm 2023, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng và bền vững của ngành bán lẻ và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế vào sự phồn vinh của đất nước”- bà Nguyễn Thị Phương cam kết.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường