Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tiếp nối thành công của các kỳ hội nghị trước, Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đi sâu, tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến, với trọng tâm vào các thị trường khu vực châu Á và một số thị trường châu Đại Dương, châu Phi, từ đó, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất-nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất-nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 2/2023 với chủ đề cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 2/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến. Phiên 2 dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch), cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương Phú Thọ) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu thực phẩm chê biến với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Dù tình hình thế giới đã có những phục hồi tích cực, tuy vậy, ngành chế biến thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023. Những cú sốc về chuỗi cung ứng tại các thị trường xuất khẩu làm giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành hàng hóa ở mức cao, nhu cầu tiêu giảm, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù vậy, với xu hướng hội nhập của đất nước, ngành chế biến thực phẩm có cơ hội lớn để mở rộng và đa dạng quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển, tăng cường cơ hội xuất khẩu. Thị trường tỷ dân Trung Quốc đã mở cửa trở lại sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong đó đặt định hướng xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao với, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, Châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc. Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.
Chính vì vậy, hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò công tác trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Đồng thời, các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất-nhập khẩu cận tận dụng các Hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới, kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường