Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Cả năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
“Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới”, Bộ Công Thương thông tin và cho biết, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Sản phẩm chanh dây và sầu riêng cấp đông là 2 trong nhiều nông sản Việt bán chạy trên thương mại điện tử Alibaba.com (Trung Quốc), ảnh minh họa
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương; Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh; Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình; Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Các chương trình đã hỗ trợ hàng ngàn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng”, Bộ Công Thương đánh giá.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh thương mại điện tử B2B, B2B2C.
Mới đây, đại diện của Alibaba.com cho biết, sản phẩm chanh dây và sầu riêng cấp đông là 2 trong nhiều nông sản Việt bán chạy trên thương mại điện tử Alibaba.com (Trung Quốc). Theo thống kê, nông sản, thực phẩm, đồ uống là những sản phẩm nằm trong top 10 mặt hàng bán chạy trên sàn thương mại điện tử này.
Ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho hay, hơn 70% nhà cung cấp tại Việt Nam được đánh giá từ 2 sao trở lên. Các ngành hàng của Việt Nam bao gồm thực phẩm đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, đồ nội thất,... Trên 800.000 sản phẩm được niêm yết. Hơn 70.000 tin nhắn quan tâm đến mua hàng mỗi tháng trên toàn thế giới.
Amazon Global Selling Việt Nam vừa công bố gần 10 triệu sản phẩm hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử này năm 2022, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đối tác bán hàng tại Việt Nam vượt mốc doanh số 500.000 USD khi kinh doanh tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sách Trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, sau 7 năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260 - 285 USD/người trong năm 2022.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường