Tăng trưởng ấn tượng nhưng chi phí còn cao
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.
Năm 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu
Cũng theo Agility, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Song theo Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Chuyển đổi số - hướng đi bền vững
Thực tế thời gian qua, nhờ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm đã giúp một số doanh nghiệp đem lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan.
Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, Tổng Công ty đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đáng chú ý, sản phẩm Cảng điện tử ePort là một trong những đề án thành công về đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm dịch vụ của Tân cảng Sài Gòn. Qua đó, giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont; giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19-20.000 lượt xe/ ngày.
“Nhờ công nghệ, chúng tôi có thể tạo ra chatbot, nhưng để hoàn thiện nó, đó là nhờ những phản hồi của khách hàng. Tân Cảng Sài Gòn rất trân trọng những phản hồi của khách hàng, và luôn lấy đó làm động lực để không ngừng đổi mới, trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, xứng đáng với vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics”, đại diện Tổng Công ty chia sẻ.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự
Trong khi đó, ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho biết trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics, lý do cho sự thay đổi này là do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng; Sự phát triển của ngành logistics hiện nay đang đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như e-commerce, last-mile delivery...
Còn theo ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; Ứng dụng công nghệ & chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững.
Cũng tại Hội thảo, Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đã được Bộ Công Thương công bố
Kiến nghị những giải pháp để số hóa ngành logistics, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics; tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.
“Có thể thấy sự cần thiết phải phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung và ứng dụng công nghệ vào ngành vận tải thông qua vấn đề đăng kiểm phương tiện vận tải gần đây, khi lượng xe chờ đăng kiểm và thời gian đăng kiểm tăng cao, gây ùn tắc, ảnh hưởng đến luồng hàng hóa lưu thông, gây lãng phí nguồn lực và tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Lộc dẫn chứng.
Đặc biệt trong bối cảnh việc số hóa và tự động hóa trong chuỗi cung ứng, việc áp dụng công nghệ sẽ khác nhau đối với mỗi doanh nghiệp, nhưng đều yêu cầu về sự chính xác, minh bạch trong hệ thống cũng như nhu cầu về sự nhanh chóng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hướng tới một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt, cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu công việc và quá trình hội nhập toàn cầu.
Cũng tại Hội thảo, Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đã được Bộ Công Thương công bố. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn sách này. Báo cáo có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu… Theo báo cáo, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: Thành phố Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD... |
Theo Tạp chí Quản lý thị trường