Cụ thể, trong kỳ điều hành này, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít; dầu điêzen ở mức 500 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 0 đồng/kg. Đồng thời, tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Như vậy, từ 15h, ngày 1/3, giá xăng E5RON92 giảm 121 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.421 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 118 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.325 đồng/lít .
Tương tự, giá dầu điêzen 0.05S giảm 551 đồng/lít, giá bán không cao hơn 20.255 đồng/lít; giá bán dầu hỏa giảm 372 đồng/lít, giá bán không cao hơn 20.474 đồng/lít; giá bán dầu mazut 180CST 3.5S tăng 304 đồng/kg, giá bán không cao hơn 14.555 đồng/kg.
Từ 15h, ngày 1/3, giá xăng dầu giảm lần thứ 3 liên tiếp
Theo Liên Bộ, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước đó, ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới;
Đồng thời, Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Ngay trong phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp; thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương; chưa chủ động được nguồn cung; biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng/giảm không đồng bộ.
“Xăng dầu luôn là vấn đề “nóng”, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh và cho rằng, thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu để tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân từ cơ chế chính sách, đến tổ chức thực hiện để đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện khắc phục.
Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, việc kiểm soát lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường