Chiều 11/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ điều hành.
Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Do vậy, kể từ 15h chiều nay, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, giá bán không cao hơn 20.419 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít, giá bán không cao hơn 21.497 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu điêzen 0.05S tăng 447 đồng/lít, giá bán không cao hơn 18.616 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 394 đồng/lít, giá bán không cao hơn 18.320 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg, giá bán không cao hơn 15.288 đồng/kg.
Từ 15h ngày 11/7, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít
Cũng theo Liên Bộ, trong kỳ điều hành này, chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Saudi Arabia và Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng mới, nâng tổng mức giảm của OPEC+ trong tháng 8 lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, Mỹ và Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế mới, sự gia tăng lo ngại về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, Saudi Arabia cắt giảm sản lượng tự nguyện từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày, việc lo ngại tình hình chính trị ở Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ... đã khiến giá xăng dầu có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen, nhưng nhìn chung là tăng nhẹ.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 03/7/2023 và kỳ điều hành ngày 11/7/2023 là: 85,730 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,051 USD/thùng, tương đương giảm 1,21% so với kỳ trước); 91,685 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,089 USD/thùng, tương đương tăng 0,10% so với kỳ trước); 92,128 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,431 USD/thùng, tương đương tăng 1,58% so với kỳ trước); 93,990 USD/thùng dầu điêzen (tăng 1,827 USD/thùng, tương đương tăng 1,98% so với kỳ trước); 454,173 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 24,389 USD/tấn, tương đương tăng 5,67% so với kỳ trước).
Do vậy, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường