Hồ Chí Minh,

Xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc: Triển vọng đi đôi cùng thách thức

Định Khang  28/04/2023 17:59

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thị trường Trung Quốc, những thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trưởng tỷ dân này và tìm kiếm những giải pháp mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sáng 28/4/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”

Nhận diện rõ thị trường

Khai mạc Hội nghị, phân tích về thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022, GDP của Trung Quốc đã đạt đến mức trên 135.000 tỷ Nhân dân tệ; tương đương với 19.605 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, bởi Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc. Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai, sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.

Cũng theo Bộ trưởng, Trung Quốc hiện là nước đông dân nhất thế giới, gấp hơn 14 lần dân số Việt Nam; là nước sở hữu rất nhiều tài nguyên khoáng sản và có chung đường biên giới, cả trên bộ và trên biển và thậm chí là đường hàng không với Việt Nam. Trung Quốc có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ ngàn đời nay. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, RCEP và sắp tới có thể là thành viên của Hiệp định CPTPP...

Với những thông tin trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc luôn là ưu tiên trong kinh tế đối ngoại của Việt Nam và Trung Quốc luôn là một trong những thị trường trọng điểm đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. “Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do vậy, hàng hoá của Việt Nam cũng phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích và nhấn mạnh, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp nước nhà.

Do vậy, trong Hội nghị này, Bộ trường Nguyễn Hồng Diên yêu cầu và đề nghị, các đại biểu, các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp cần nhận diện đúng, trúng, đánh giá đúng, kịp thời thị trường Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay để có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.


Hội nghị với sự tham gia của tất cả các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu

Yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hóa

Phác thảo cụ thể bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. So với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 1/2023 giảm 24,33%, tháng 2/2023 giảm 18,72%). Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong Quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.

Song, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.

“Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng”, ông Trần Quang Huy lưu ý và thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian qua, chúng ta đã từng bước thay đổi và thích nghi nhưng tốc độc còn rất chậm”.

Đặc biệt với trái sầu riêng, Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng nhưng sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hơn nữa, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, điện thoại và các loại linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn với giá trị lần lượt là 3,5 tỷ USD và 2,4 tỷ USD, chiếm 29,52% và 20,15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới (Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản) áp dụng các lệnh hạn chế thương mại đối với sản phẩm bán dẫn nhằm vào Trung Quốc, về lâu dài có nguy cơ dẫn đến sự phân tách về công nghệ sử dụng trong việc sản xuất các thiết bị điện tử, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước khác.

Từ thực tế thị trường sở tại, ông Lương Văn Tài - Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, trong tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Đối với xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn.

Doanh nghiệp cần chủ động và sự đồng hành

Dự báo từ cơ quan thương vụ và các chi nhánh thương vụ tại Trung Quốc cũng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng ổn định và phục hồi tương đối rõ ràng trong Quý I và dự báo sẽ bước vào thời kỳ phục hồi nhanh chóng trong Quý II. Dữ liệu tháng 3 của Trung Quốc cho thấy chỉ số hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ, vận tải, dịch vụ đều cao hơn 60%. Điều này thể hiện xu thế tiêu dùng, chi tiêu cho các hoạt động đi lại giao thương, sử dụng dịch vụ của người dân đã phục hồi nhanh chóng.

Đặc biệt, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cặp cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đi vào ổn định, hiệu suất thông quan được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho biết, để tăng cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc, hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị xây dựng xong trung tâm “Made in Việt Nam” tại Trung Quốc. Đây sẽ là nơi để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc.

“Doanh nghiệp đã nghiên cứu sâu thị trường Trung Quốc và từ lâu đã xuất khẩu sang thị trường này nhiều nhóm mặt hàng, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Trung Quốc đặt ra. Đặc biệt, doanh nghiệp đã chú trọng các vùng nguyên liệu hữu cơ tại Việt Nam, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của phía Trung Quốc. Doanh nghiệp rất mong muốn thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tạo điều kiện tốt nhất, để doanh nghiệp đưa các dòng sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường này”, ông Dũng đề xuất.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc nới nỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan. Mặc dù vậy, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện nên khả năng ùn ứ xuất khẩu vẫn hiện hữu, nhất là khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

Liên quan đến lĩnh vực logistics, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị, để tránh tình trạng ách tắc, gây ảnh hưởng không tích cực tới chất lượng hàng hoá, nhất là nông sản, các Bộ ngành cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm thông quan tại cửa khẩu nhằm giải quyết nhanh các phát sinh trong vấn đề thông quan giữa hai bên. Liên thông trong công tác thủ tục hành chính giữa hải quan hai nước, từ đó rút ngắn thời gian thông quan, đẩy nhanh dòng lưu chuyển hàng hoá.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, đề xuất, sắp tới vào vụ thu hoạch trái cây tươi vào tháng 6, tháng 7, địa phương mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và hỗ trợ các vấn đề phát sinh để có biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.

"Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của Thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật; xúc tiến sang thị trường Trung Quốc các ngành hàng có lợi thế; quan tâm và nâng cao hiệu xuất thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn", Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn kiến nghị.

Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu

Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, ông Trần Quang Huy khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.

Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...

Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.

“Tới đây, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Vì vậy, các doanh nghiệp nên tham gia tích cực để mở rộng thị trường”, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Trần Quang Huy lưu ý.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/xuat-khau-hang-hoa-vao-thi-truong-trung-quoc-trien-vong-di-doi-cung-thach-thuc-95418.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.