Hồ Chí Minh,

Xuất khẩu xanh – xu hướng mới trong thương mại toàn cầu

Định Khang  01/12/2022 10:59

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022, Bộ Công Thương phối hợp với Eurocham Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, ngày 28/11/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Mục tiêu của Diễn đàn nhằm tạo ra kênh trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể tham gia xúc tiến xuất khẩu, đại diện hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước, quốc tế về các vấn đề liên quan đến sản xuất, thương mại và xuất khẩu “xanh” nhằm đáp ứng các tiêu chí “xanh” cũng như xu hướng tiêu dùng “xanh” của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, chia sẻ về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhận diện các cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu “xanh”, từ đó đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách thúc đẩy xuất khẩu xanh, bền vững trong bối cảnh mới của thương mại toàn cầu.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.


Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng nhận định: Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường Châu Âu bởi được khẳng định chính là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

Thời gian qua, nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng nêu trên có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

10 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt gần 620 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD). Dự kiến cả năm đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

Bối cảnh trên đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt là các quy định, chính sách liên quan đến kinh tế “xanh”, thương mại “xanh”, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề thực tiễn liên quan đến xúc tiến xuất khẩu xanh; đồng thời, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cũng như khuyến nghị, đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh và phù hợp với “luật chơi” mới của thương mại quốc tế.

Các diễn giả đều cho rằng, để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường.

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau Diễn đàn này, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến nghị của các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh;

Bộ Công Thương cũng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát, theo dõi các quy định, chính sách mới ban hành của nước sở tại, nhất là các quy định mới về tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như cập nhật thông tin thị trường, kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị, hướng dẫn giúp các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, về phía Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ bổ sung và phối hợp với các tổ chức, dự án, chương trình chuyên môn của quốc tế để nâng cao năng lực nội bộ cho đội ngũ cán bộ làm xúc tiến, hỗ trợ ứng dụng các công cụ chuyển đổi số bằng việc mở rộng và gắn kết các trung tâm vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/xuat-khau-xanh-xu-huong-moi-trong-thuong-mai-toan-cau-94366.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.