Hồ Chí Minh,

Xuất nhập khẩu năm 2022 cán đích sau 11 tháng

Định Khang  03/12/2022 13:06

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 11/2022, dù lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại nhưng tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD).

Xuất nhập khẩu cả năm cán đích sau 11 tháng

Số liệu tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11 ước tính giảm so với tháng trước đó.

Nhưng tính chung kết quả 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1%.

Riêng tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,58 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.


11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD)

Cụ thể, về xuất khẩu tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,5 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2022, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có tới 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%.

Tiêu biểu nhất trong nhóm hàng nông sản phải kể đến thủy sản. Trong 11 tháng, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỷ USD, dự kiến đến cuối năm 2022 con số này có thể đạt mức 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD (tăng 30%), xuất khẩu cá tra hơn 2 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021).

Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, với kết quả trên, ngành thủy sản đã về đích trước hẹn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây có thể xem là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ngành thủy sản nước nhà.

Hay như gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD trong 11 tháng. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chia sẻ, theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của ngành gỗ trong năm nay là hoàn toàn khả thi.


Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022

Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 53 tỷ USD, tăng 5,7% so, tiếp theo đó là thị trường EU ước đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 31 tỷ USD, tăng 19,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt gần 22 tỷ USD, tăng 21,2%.

Ở chiều ngược lại, tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, giảm 0,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,4 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,18 tỷ USD, tăng 9,6%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 58 tỷ USD, tăng 14,8%; ASEAN ước đạt 43 tỷ USD, tăng 16%; Nhật Bản ước đạt 21,7 tỷ USD, tăng 6,6%; EU ước đạt 14 tỷ USD, giảm 9,2%; Hoa Kỳ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 5%.

Doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt các FTA

Đánh giá về bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho rằng, kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đơn cử, với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 3 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75 - 100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.


Kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tận dụng ưu đãi của EVFTA, nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã xuất khẩu sang EU với mức tăng trưởng cao, đặc biệt là một số nhóm hàng như: Sắt thép (tăng trưởng 200%), cà phê (tăng trưởng 75,2%), hạt tiêu (tăng trưởng 55,8%).

Để thúc đẩy xuất khẩu tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/xuat-nhap-khau-nam-2022-can-dich-sau-11-thang-94380.html

Tin cùng chuyên mục   Kinh doanh
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, công tác tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn cho đường ống dẫn khí luôn được Công ty Khí Cà Mau - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam triển khai thường xuyên, liên tục trong các năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân, doanh nghiệp có hoạt động trên biển đối với việc đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển.
Chiều ngày 20/7/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.