Mới đây, một phụ nữ quốc tịch Mỹ đã tử vong sau khi phẫu thuật căng da mặt tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam khiến nhiều người lo ngại về các dịch vụ làm đẹp được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ hiện nay.
Hàng loạt kỹ thuật "chui" được quảng cáo rầm rộ
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có nhiều kỹ thuật làm đẹp như lăn kim, tiêm tế bào gốc, hỏa trị liệu giảm cân… chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng các cơ sở vẫn quảng cáo rầm rộ, thực hiện tràn lan.
Tại TP.HCM, dịch vụ đang "bùng nổ" là lăn kim bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Tại bệnh viện thẩm mỹ Đông Á (Q.1, TP.HCM), khi tư vấn về kỹ thuật này, nhân viên cho biết, bác sĩ sẽ lấy một lượng máu trên cơ thể khách hàng, cho vào máy quay ly tâm tách huyết tương. Loại huyết tương này có nồng độ tiểu cầu cao nên có chức năng hồi phục, tái tạo da gấp 5-10 lần so với phương pháp lăn kim thông thường. Trên website của bệnh viện này khẳng định kỹ thuật PRP đã được Sở Y tế cấp phép và bệnh viện là một trong những cơ sở đầu tiên được cấp phép áp dụng kỹ thuật này.
Thậm chí tại các spa – vốn là nơi có thiết bị máy móc không hiện đại so với các thẩm mỹ viện, vẫn quảng cáo thực hiện kỹ thuật này. Chẳng hạn tại Galaxyspa Ngân hà (Q.10, TP.HCM), phòng khám da liễu Doctor Scar (Q.10, TP.HCM), SVan Clinic&Spa (Q.1, TP.HCM)… đang quảng cáo có thực hiện kỹ thuật này và đã điều trị hiệu quả cho 5000 khách hàng, toàn bộ quy trình chiết tách máu tự thân đúng chuẩn theo quy định Bộ Y tế.
So với lăn kim PRP thì tiêm tế bào gốc tự thân để làm đẹp, trẻ hóa da cũng đang được nhiều chị em đổ xô thực hiện mặc dù hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép cho dịch vụ này.
Tại bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc (Q.1, TP.HCM), nhân viên cho biết có dịch vụ cấy tế bào gốc mỡ tự thân để trẻ hóa da. Tùy theo vị trí cấy mà có giá thành khác nhau, chẳng hạn cấy lên mặt thì giá 80 triệu đồng, cấy xóa các rãnh nếp nhăn giá 20-30 triệu đồng, cấy nâng ngực và mông giá 100 triệu đồng…
Bệnh viện thẩm mỹ Á Âu cũng giới thiệu có thực hiện kỹ thuật tiêm tế bào gốc tự thân làm đầy khuôn mặt với giá 40 triệu đồng. Theo quảng cáo, mỡ sau khi lấy từ cơ thể bệnh nhân sẽ được đưa vào công nghệ cao để chiết tách, loại bỏ tạp chất, tạo ra mô mỡ nguyên bào sạch tốt rồi tiêm trở lại vào gương mặt.
Thẩm mỹ viện Belia (Q.5, TP.HCM) quảng cáo công nghệ cấy mỡ tế bào gốc tự thân PRP được trích từ máu người. Máu này được trích lọc, nuôi dưỡng 2-3 tuần để chuyển hóa và tạo thành tế bào mới rồi mới tiêm vào gương mặt bệnh nhân.
Thời gian gần đây, rộ lên phương pháp hỏa trị liệu để giảm cân và trị bá bệnh. Nhiều cơ sở đang quảng cáo rầm rộ, livestream (quay và tương tác trực tiếp) quá trình hỏa trị liệu rồi trên mạng xã hội để thu hút khách hàng. Trong khi đó theo khẳng định của Sở Y tế thì hiện phương pháp này vẫn chưa được cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp.
Cơ sở làm đẹp Art Beauty (Q.Tân Bình, TP.HCM) hiện đang thu hút khá đông khách hàng tìm đến vì nơi này đang có dịch vụ "hỏa trị liệu". Theo tư vấn của nhân viên, đây là phương pháp đông y phổ biến và lâu đời của Trung Quốc bằng cách dùng lửa đốt toàn thân hoặc một vùng trên cơ thể để chữa bệnh và làm đẹp.
Đầu tiên khách hàng sẽ được thoa một lớp tinh dầu lên bề mặt da, sau đó kỹ thuật viên sẽ đốt lửa cháy lên trên chiếc khăn ẩm để hâm nóng cơ thể. Mục đích là làm mở lỗ chân lông, lưu thông khí huyết. Nhờ máu huyết lưu thông mà tất cả khí độc cũng như khí lạnh trong cơ thể được đào thải ra ngoài thông qua hệ bài tiết, đồng thời tinh dầu thiên nhiên được đốt nóng sẽ thẩm thấu sâu vào trong từng tế bào.
Theo quảng cáo, phương pháp này trị được rất nhiều bệnh về đau nhức xương khớp, đau đầu, giải độc và khí hàn, giúp dạ dày thu nhỏ, không còn cảm giác mau đói, thèm ăn; trị bệnh mất ngủ; giúp làn da trắng sáng, hồng hào, loại bỏ các vết nám, tàn nhang, mụn nhọt…
"Nếu chị lần đầu trải nghiệm sẽ có mức giá 99.000đ/lần, nhưng lần sau thì sẽ có giá 250.000đ/lần. Còn mua theo gói trị liệu đau nhức có giá 100.000đ/lần. Hầu như khách đến đây làm thử một lần đều muốn làm tiếp vì hiệu quả thần kỳ của phương pháp này" – Nhân viên tại đây tư vấn. Theo tìm hiểu, cơ sở này còn nhận đào tạo miễn phí cho những ai muốn học về hỏa trị liệu này.
Đây chỉ là số ít các cơ sở làm đẹp mà phóng viên tìm hiểu, chắc chắn sẽ còn rất nhiều các cơ sở làm đẹp khác đang thực hiện những dịch vụ vượt quá giới hạn cho phép và chưa được cấp phép.
Kiểm tra đâu, lòi ra sai phạm đó
Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra hơn 2000 cơ sở khám chữa bệnh và làm đẹp trên địa bàn, đã xử phạt các spa và thẩm mỹ viện không đạt chuẩn, thực hiện những dịch vụ vượt quá giới hạn phạm vi cho phép, tìm ẩn nguy cơ gây tai biến cho khách hàng hơn 1 tỷ đồng. Sở Y tế cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp thanh, kiểm tra với các quận, huyện và Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm siết chặt hoạt động này trong thời gian tới.
Theo quy định, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (không phải là bệnh viện thẩm mỹ) chỉ có chức năng thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Đồng thời phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Riêng các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo đến người dân khi muốn khám chữa bệnh hãy cẩn trong chon lựa đến các cơ sở y tế có bảng hiệu, có địa chỉ cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt dộng, người thực hiện khám chữa bệnh phải có Chứng Chỉ hành nghề. Điều kiện để nhận biết phòng khám đã được cấp phép hay chưa thì ngay từ phía ngoài phải có biển hiệu tên phòng khám, giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có địa chỉ và số giấy phép mà Sở Y tế đã cấp được dán trên biển hiệu. Khi vào vị trí tiếp đón của phòng khám sẽ thấy cơ sở niêm yết giấy phép hoạt động, danh sách, ảnh hoặc chứng chỉ của người hành nghề, tại vị trí đón tiếp ngoài ra phải niêm yết giá dịch vụ,… Còn ngược nếu không có các điều kiện trên thì cần phải tìm hiểu kỹ vì có khả năng đó là cơ sở không được cấp phép.
Cũng có những cơ sở được cấp phép hành nghề nhưng lại tự ý thực hiện các kỹ thuật làm đẹp vượt quá khả năng và chưa được Bộ Y tế cấp phép. Do đó, ngoài lựa chọn cơ sở được cấp phép, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và chọn phương pháp đã được Bộ Y tế cấp phép.
Thanh Hoa/ phụ nữ online