
Đơn cử như trong thời gian triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu trước và sau Tết nguyên đán vừa qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đã ra quyết định kỷ luật 2 tổ chức Đảng và hàng chục cán bộ.
Thống kê sơ bộ quý I/2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.439 vụ việc vi phạm (tăng 10 % so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN đạt 2.431 tỷ 889 triệu đồng (tăng gần 15% so với cùng kỳ), khởi tố 797 vụ (tăng 62% so với cùng kỳ), 982 đối tượng (tăng gần 70% so với cùng kỳ).
Gần đây nhất, ngày 23/4 tại khu vực vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh, lực lượng Hải đội 1-Cục Điều tra chống buôn lậu đã kiểm tra, phát hiện 2 xuồng cao tốc vận chuyển, sang mạn trái phép 50.330 bao thuốc lá ngoại các loại.
Những kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh kinh tế – trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ.
Quý I năm 2019, trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có diễn biến phức tạp cả quy mô và tính chất, cụ thể: Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của các lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trên tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên hoạt động buôn lậu chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, lâm sản, động vật hoang dã,…Đáng chú ý, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới với quy mô lớn, chuyên nghiệp và manh động hơn; thậm chí đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép rượu ngoại, đặc biệt là thuốc lá điếu ngoại và đường cát vẫn diễn biến phức tạp tại địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam Bộ như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang,…
Thông tin với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan cho biết, trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu phổ biến vẫn là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng; không trực tiếp vận chuyển mà thuê những người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,….có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là mặt hàng gỗ, tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp (liên tiếp trong quý I/2019, lực lượng Hải quan đã phát hiện và thu giữ gần 3.000kg vảy tê tê, hơn 600kg ngà voi tại cảng Hải phòng; mới đây, ngày 26/3/2019, lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện hơn 9 tấn ngà voi giấu trong container gỗ nhập khẩu tại cảng Đà Nẵng).
Tại Họp báo đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam.
Phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa vẫn là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển ráp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam, có trường hợp không thừa nhận hành vi, không khai báo.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trong nội địa. Tập trung chủ yếu là nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,…Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh kém chất lượng vẫn bày bán công khai trên mạng, không có sự kiểm soát gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng một số kế hoạch chuyên đề, trọng điểm như: Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; Kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia; Kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan…; Kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của TTg CP…
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm hay của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Thành lập các Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ động phối hợp tổ chức các đoàn công tác liên ngành; Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo T.Lan bcd389