Tại hội thảo "Các giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" do Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội (Hatap), Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và công ty Vina CHG phối hợp tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) "kêu than" rằng có những thời điểm gần như bất lực trước tình trạng sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái một cách phổ biến.
Ông Trần Thanh Kha – Trưởng phòng cao cấp – Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) cho biết, có đến 20,5% bugi giả mạo dựa trên tổng số bugi mà NGK Việt Nam thực nghiệm thu mua. Đây là một con số rất lớn không chỉ khiến thị phần và doanh số của NGK Việt Nam giảm sút đáng kể, mà còn gây ra những tác hại tiêu cực, làm giảm uy tín thương hiệu.
Ông Nguyễn Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Minh Tuấn, nhà phân phối độc quyền thương hiệu loa karaoke BMB Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm loa mang thương hiệu BMB đã gây thiệt hại không nhỏ không chỉ về doanh thu, uy tín của thương hiệu mà còn làm giảm sút đáng kể niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm. Tạo ra những cơ hội cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ trong thị trường Việt Nam.
Đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam, ông Trương Văn Ba – Phó Văn phòng BCĐ 389 quốc gia nhận định, trình độ làm giả, làm nhái của các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự đầu tư và sản xuất với quy mô lớn. Thậm chí có những sản phẩm làm giả trông còn "đẳng cấp" hơn hàng thật, không chỉ người tiêu dùng mà các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều chồng chéo, trùng lắp. Theo ông Ba, nhiều khi chỉ với một hành vi vi phạm nhưng vẫn có thể được giải thích và xử lý vi phạm khác nhau bởi những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Do đó, theo ông Nguyễn Viết Hồng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina CHG, công ty chuyên cung cấp giải pháp chống hàng giả, hoạt động chống hàng gian – hàng giả chỉ có thể đạt hiệu quả tốt hơn nếu DN và các lực lượng chức năng có được những giải pháp hỗ trợ tốt hơn.
Chẳng hạn ngoài việc điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực và nhân sự lực lượng điều tra, xử lý vi phạm hàng giả, các cơ quan chức năng cần được hỗ trợ các công cụ chống giả có khả năng giúp phân biệt hàng thật, hàng giả nhanh chóng như tem chống hàng giả có tính bảo mật cao, ứng dụng hệ thống quản lý hàng hóa, sản phẩm, kích cầu tiêu dùng và nhận diện sản phẩm thật – giả bằng công nghệ mã vạch (barcode, Qrcode), SMS…
"Áp dụng khoa học công nghệ vào công tác chống giả sẽ giúp các cơ quan quản lý giảm tải được khối lượng công việc và tiết kiệm công sức hơn. Ngay cả các DN cũng có thể chống hàng giả hiệu quả hơn bằng cách này" – ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, các giải pháp chống giả, tem chống giả của Vina CHG đều được nghiên cứu và sản xuất dựa trên tiêu chí bảo mật và nhu cầu của DN. "Chỉ cần một dấu hiệu đồng nhất, dễ nhớ, dễ sử dụng nhưng mang tính đồng bộ, không thể sao chép cho một sản phẩm cụ thể khi dán tem, được quản lý và theo dõi trên một hệ thống phần mềm Vinacheck để kiểm tra thông tin nhanh và chính xác, có khả năng bảo mật cao" – ông Hồng khẳng định.
Chia sẻ kết quả về việc ứng dụng công nghệ chống giả tại hội thảo, ông Trần Thanh Kha cho biết, sau khi kiên trì thực hiện các biện pháp chống hàng giả như kiểm tra, ghi nhận thông tin về hàng giả, tìm người bán, nơi bán và cách thức bán hàng giả; phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra xử lý hàng giả; song song với đó là tuyên truyền cảnh báo, giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật – hàng giả, hiện tỷ lệ hàng giả của NGK giảm còn khoảng 15%.
"Đây là thành công bước đầu của DN, không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần ngăn chặn các sản phẩm bugi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn rủi ro cho phương tiện", ông Kha chia sẻ.
Theo VietQ