6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 1.700 vụ.
Trong đó hàng giả, gian lận thương mại là 48 vụ, trị giá hàng hóa tịch thu trên 3 tỷ đồng, bao gồm các loại: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô, phân bón, quần áo, giày, dép, túi xách…
Để xử lý có hiệu quả những vụ vi phạm quyền sử hữu trí tuệ, hàng giả thì sự hỗ trợ, vào cuộc của các đại diện nhãn hiệu ủy quyền là vô cùng quan trọng. Bởi hầu hết các sản phẩm được làm giả đều được làm hết sức tinh vi và gần giống với sản phẩm thật.
Những năm gần đây, để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình (hay nói cách khác là tự bảo vệ mình), nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tích cực thông qua các văn phòng luật sư và Hiệp hội chống hàng giả ký kết với các cơ quan chức năng tại Lạng Sơn, thực hiện công tác phối hợp, đào tạo cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hoặc trực tiếp nắm tình hình và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có cơ sở sản xuất hàng giả. Song, với địa bàn là tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, mặt khác, chính việc ham hàng hiệu giá rẻ của một số người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội thẩm thấu qua biên giới vào nội địa.
Sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp và các chủ sở hữu quyền sẽ góp phần quan trọng giúp các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua đó, góp phần bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ANTV