Sáng ngày 21/11/2017, hưởng ứng ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29/11/2017), Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM, công ty Vina CHG và Cổng truyền thông Chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo "Tăng cường công tác phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp".

Tại Hội thảo, trong bài trình bày tham luận về thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thời gian qua, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ – Văn phòng đại diện tại TP HCM, cho rằng chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã khiến cho việc làm giả, làm nhái sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, việc ngăn chặn, chống hàng giả, hàng nhái cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Khuê cũng nhìn nhận, ý thức về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT với thương hiệu của DN cũng đã được nâng cao. Bằng chứng cho thấy số lượng đơn đăng ký SHTT trong những năm qua đã tăng khá nhiều. Cụ thể, thống kê số đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT Cục SHTT nhận được trong năm 2016 là khoảng 60.000 đơn, tăng 15% so với năm 2015 và tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Khuê, phần lớn trong đó là những DN có quy mô lớn, những DN vừa và nhỏ vẫn còn chưa mặn mà với việc bảo vệ tài sản thương hiệu, tài sản trí tuệ của mình. Đa số chỉ khi nhãn hiệu, thương hiệu của mình "gặp chuyện", vướng phải tranh chấp mới bắt đầu tìm hiểu cách bảo vệ. Ông Khuê cũng cho biết hiện có rất nhiều DN bị làm giả sản phẩm, nhái thương hiệu nhưng các cơ quan chức năng không thể bảo vệ theo quy định của pháp luật bởi những thương hiệu này chưa được đăng ký xác lập quyền SHTT.
Ông Khuê cũng khuyến cáo các DN, nhất là những DN có thương hiệu lâu năm nên quan tâm đến đăng ký sở hữu cả tên miền mang thương hiệu của DN, nhất là những thương hiệu có định hướng phát triển ở thị trường nước ngoài. Ông Khuê cho biết, chỉ vì "quên" không đăng ký SHTT, nhiều DN Việt Nam đã bị "thất thế" khi xảy ra tranh chấp thương hiệu ở thị trường nước ngoài. "Chúng ta có rất nhiều nhãn hiệu như Vinataba bị đăng ký ở Trung Quốc, cà phê Trung Nguyên bị đăng ký ở Mỹ, kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi bị đăng ký ở Nhật Bản, cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký ở Trung Quốc… Đấy là bài học mà DN cần lưu ý. Thêm nữa, các DN có thể chọn cách đăng ký bao vây tên thương hiệu, tên miền có khả năng bị giả mạo để phòng ngừa rủi ro. Chúng ta trồng cây thì nên chủ động tạo hàng rào bảo vệ trước", ông Khuê chia sẻ.
Cần có giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm online
Phát biểu bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cho biết, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, mạng internet, độ "phủ" của hàng giả, hàng nhái đã "bành trướng" hơn bao giờ hết. "Người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn để tránh mua nhầm hàng giả, bởi thông tin về sản phẩm là quá nhiều. Những thông tin về sản phẩm, hàng hoá chưa biết thật giả cứ xuất hiện trên Facebook. Việc "gạn đục khơi trong" để kiếm đúng sản phẩm thật, sản phẩm an toàn thật sự là một việc không hề dễ đối với người tiêu dùng", ông Hồng cho biết. Ông Hồng cho rằng, việc phát triển thương mại điện tử là điều chắc chắn phải làm, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, người cung cấp hàng hoá trên môi trường mạng xã hội, internet, cũng như có những giải pháp đơn giản, nhanh chóng giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được hàng thật, hàng giả.
Định Khang/Theo Tiêu dùng 24h