Tính riêng trong lĩnh vực công nghiệp xe máy, từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra, phát hiện hàng chục ngàn phụ tùng xe máy các loại vi phạm sở hữu trí tuệ. Các lỗi vi phạm bao gồm, giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp… Trong đó, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Việt Nam đều bị xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được nước ta bảo hộ.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thừa nhận, thực tế việc xử lý các sai phạm về hàng nhái, hàng giả đều như… gãi ngứa, do các đối tượng vi phạm liên tục thay đổi phương thức hoạt động, nghĩ ra trăm phương ngàn kế nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
"Điều đáng sợ là những mặt hàng giả mạo, kém chất lượng đều tác động trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. Ví dụ, các loại thực phẩm chức năng, thuốc kém chất lượng hay những phụ tùng xe máy, ô tô giả mạo chẳng hạn…", vị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường nói.
Người tiêu dùng lo lắng, cơ quan chức năng "đau đầu", còn doanh nghiệp kêu cứu vì gian thương làm nhiễu loạn thị trường. Rõ ràng, xâu chuỗi lại toàn bộ vấn đề sẽ thấy nổi lên câu chuyện một vòng tuần hoàn khép kín của hàng dỏm ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thị trường. Vấn nạn này cần được thanh lọc càng sớm càng tốt.
Theo Sài Gòn Giải Phóng