Hồ Chí Minh,

ĐIỀU TRA: Nông sản Trung Quốc nhái – nỗi đau của nông dân Đà Lạt

Định Khang  24/08/2018 09:27

Nông sản Đà Lạt khan hàng nhưng lại bị nông sản Trung Quốc ép giá khiến nhiều nông dân khóc ròng, phải bỏ úng rau củ đến kỳ thu hoạch.

Tại những vựa chuyên canh tác rau củ quả lớn ở các phường 7, 8, 11 và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương… của tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông dân cho biết các mặt hàng nông sản Đà Lạt bị ép giá khiến họ thua lỗ nặng.

Đến kỳ thu hoạch, xịt thuốc cho rau chết

Nguyên nhân do nhiều tiểu thương nhập hàng Trung Quốc về Đà Lạt, thay nhãn mác, bao bì rồi chuyển xuống TP HCM và các tỉnh khác bán với mác nông sản Đà Lạt khiến cung vượt cầu, nhiều mặt hàng rớt giá thê thảm.

Cải thảo, cải cúc (tần ô), bắp sú, xà lách xoăn… đang canh tác tại Đà Lạt phải đổ bỏ hoặc bỏ úng trên ruộng vì hàng Trung Quốc áp đảo. Ông Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi; ngụ phường 7, TP Đà Lạt) canh tác hơn 1,5 ha bắp sú và cải thảo. Thời tiết năm nay mưa nhiều khiến các mặt hàng nông sản Đà Lạt giảm về sản lượng. Thường mọi năm, mùa này, giá nông sản gồm hành tây, khoai tây, cà rốt và các loại rau ở mức cao nhất trong năm vì khan hiếm hàng nhưng năm nay, những mặt hàng này nhan nhản ngoài chợ mà các thương lái vẫn cứ ồ ạt nhập từ Trung Quốc về.

Nông dân Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường 7, TP Đà Lạt) xót xa bên vườn rau bỏ úng vì giá bán quá thấp.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường 7, TP Đà Lạt) xót xa bên vườn rau bỏ úng vì giá bán quá thấp.

Do khoai tây Đà Lạt giá cao gấp 2 – 3 lần khoai tây nhập từ Trung Quốc nên một số thương lái "phù phép", biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt. Tại huyện Đơn Dương, nơi có diện tích hành tây, khoai tây, cà rốt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, bình thường giá khoai tây dao động từ 14.000-16.000 đồng/kg, hành tây, cà rốt cũng ở mức 11.000-15.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá các mặt hàng trên rớt còn nửa giá, chỉ 7.000-8.000 đồng/kg dù đã hết mùa. Theo nhẩm tính của những người làm vườn, với giá bán này, mỗi sào hành tây, nhà vườn phải bù lỗ thêm khoảng 3 triệu đồng nữa mới đủ vốn đầu tư ban đầu, đó là chưa kể tiền thuê người thu hoạch khoảng 250.000 đồng/ngày và công sức bỏ ra chăm sóc trong 3 tháng.

Tương tự, rau cải thảo, xà lách xoăn, đậu Hà Lan tại vườn hiện chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Kính (46 tuổi; ngụ phường 8, TP Đà Lạt) cho biết mặc dù giá đã xuống rất thấp nhưng lượng tiêu thụ trên thị trường vẫn rất chậm nên hầu hết nhà vườn đều lâm vào cảnh khốn đốn, thương lái không đến thu mua.

Còn ông Lê Gia Bảo Quốc (47 tuổi; ngụ phường 8, TP Đà Lạt) nhẩm tính trước đây, nông dân Đà Lạt canh tác 1 sào nông sản (cà rốt, khoai tây hay xà lách xoăn…) sau khi trừ chi phí, mỗi năm đem lại lợi nhuận 250 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, nông dân thua lỗ nặng.

Cách đây hơn 10 ngày, nhiều hộ dân đến ngày thu hoạch bắp sú và cải cúc thấy giá quá thấp, phải bấm bụng dùng thuốc xịt cho chết sạch rồi thuê máy cày dập lại xuống đất để chuẩn bị mùa vụ mới.

Trông chờ sự tỉnh táo của người tiêu dùng?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện rất khó xử lý tình trạng thương lái trộn đất giả mạo nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt.

Theo ông Sơn, hành động này không cấu thành hành vi tội phạm bởi không có luật cấm, trừ khi phát hiện các mặt hàng nhập không rõ nguồn gốc và kiểm tra vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới tịch thu và xử phạt hành chính.

"Hiện tại, chủ yếu dựa vào sự tỉnh táo của người tiêu dùng, chứ không thể cấm nông sản Trung Quốc nhập vào chợ được. Mà xử phạt hành chính các chủ vựa khi phát hiện sai phạm thì cũng chưa đủ răn đe so với lợi nhuận mang lại.

Trước mắt, sở thành lập chuỗi gắn nhãn mác các mặt hàng Đà Lạt, trong đó trước tiên sẽ gắn nhãn mác cho khoai tây sau đó sẽ tiến hành các bước cho các loại nông sản khác, chứ thực sự là rất khó xử lý" – ông Sơn thừa nhận.

Để bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt. Qua đề án này, sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Đà Lạt hàng trăm ngàn bao bì, được sản xuất theo mẫu mã riêng, có tem chống hàng giả cho các túi, thùng đóng gói sản phẩm khoai tây Đà Lạt.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng – đơn vị trực tiếp triển khai đề án này, cho biết tổng kinh phí để thực hiện là hơn 1 tỉ đồng, trong đó trên 70% số tiền được trích từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ đề án. Dự kiến trong tháng 9-2018 sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ hè thu này.

Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo lực lượng QLTT thường xuyên tuần tra kiểm soát, phối hợp với Sở Công Thương TP HCM và mời một số chợ đầu mối TP HCM lên làm việc tại TP Đà Lạt để có một số giải pháp nhằm kết nối các HTX cũng như các chợ đầu mối.

Sẽ áp dụng mô hình nhận diện những điểm bán hàng nông sản Đà Lạt tại chợ đầu mối các tỉnh, thành nhập hàng Đà Lạt để tránh việc mua nhầm hàng Trung Quốc giả hàng Đà Lạt.

"Trước mắt, xây dựng hàng rào kỹ thuật tại Đà Lạt nhằm hạn chế nông sản Trung Quốc chở ngược lên Đà Lạt để làm giả nhãn mác nông sản Đà Lạt" – ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, nêu ý kiến.

Trong ngày 22-8, theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vấn đề một số tư thương nhập nông sản từ Trung Quốc về để giả mạo thương hiệu chỉ dẫn địa lý của Đà Lạt đã được UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt từ nhiều năm bằng văn bản và đi kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các sở, ngành vẫn chưa tập trung.

Liên tiếp bắt quả tang

Ngày 22-8, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đột xuất kiểm tra cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp – số 340 Tự Phước, phường 11 – phát hiện một lượng lớn khoai tây trong tổng số 4 tấn khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã được nhuộm đất Đà Lạt, cùng với các tang vật tại hiện trường là máy trộn, đất đỏ dùng để nhuộm màu cho khoai. Sau khi thực hiện xong quy trình nhuộm đất đỏ, khoai tây sẽ được đóng gói và bán ra thị trường với giá 8.500 đồng/kg.

Theo bà Hiệp, mỗi tháng cơ sở cung cấp từ 6 – 12 tấn khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ Đà Lạt về các chợ đầu mối tiêu thụ.

Theo Báo Người Lao Động

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/dieu-tra-nong-san-trung-quoc-nhai-noi-dau-cua-nong-dan-da-lat-2617.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.