Hồ Chí Minh,

Gian nan chống hàng giả

Định Khang  07/06/2018 10:26

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang mang lại hệ lụy tiêu cực cho xã hội, làm giảm uy tín của các DN; trong khi đó, nhiều DN chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu…

Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)" do Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác Quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) tổ chức ngày 6/6.

Nhiều hệ lụy

Hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại nhiều hệ lụy khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người dân đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, gây mất uy tín cho các DN. Theo TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT không mới. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều công ước về SHTT, nhưng ngay cả người làm cũng không thuộc hết nội dung, chứ chưa nói đến DN, dẫn đến nghịch lý là, Việt Nam vẫn xếp cuối trong câu chuyện bảo vệ quyền SHTT. Chưa kể khi tham gia vào FTA Việt Nam – EU, hay CPTPP có cam kết về SHTT rất cao, DN không quan tâm sẽ càng thua thiệt.

chống hàng giả
Đội quản lý thị trường số 17 Hà Nội thu giữ hàng giày dép không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Hải

Theo các chuyên gia, tình trạng xâm phạm SHTT như xâm phạm tên miền, kinh doanh hàng giả qua mạng, rất khó kiểm soát. Do đó, DN cần thực hiện 2 quy tắc trong xác lập quyền SHTT: Ưu tiên người xác lập trước; Ưu tiên người sử dụng trước. Điều này nhiều quốc gia đang vận dụng. Vấn đề nữa là mỗi DN có nhiều tài sản trí tuệ, danh mục khách hàng, hệ thống thông tin khách hàng, hệ thống phân phối… những điều đó muốn bảo vệ không cần làm thủ tục xác lập quyền.

Luật đừng chạy theo sau

Theo luật, SHTT tự động được bảo vệ, nhưng với điều kiện DN phải áp dụng biện pháp bảo mật, tài sản và phải đóng dấu mật, có quy chế bảo mật. Sau này ai xâm phạm mới xử lý được. Tuy nhiên, gần 90% DN được khảo sát không nhận diện được tài sản trí tuệ và không có biện pháp bảo vệ.

"Từ những kiến nghị và đề xuất của DN, các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Mục đích cuối cùng là chung tay tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho DN và lợi ích người tiêu dùng." – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng

"Trong chống hàng giả và xâm phạm SHTT, biện pháp đang được nhiều DN đánh giá cao và áp dụng là hợp tác với truyền thông. Cụ thể khi bị xâm phạm SHTT, DN lập tức mời truyền thông vào cuộc và trong chừng mực nhất định nhiều DN đã thành công bởi truyền thông có quyền lực mềm cực mạnh." – TS Võ Trí Thành

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu (Đại học Thương mại), khảo sát 350 DN năm 2016, chủ yếu DN nhỏ và siêu nhỏ ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có 208 DN quan tâm đến bảo vệ thương hiệu, nhưng tỷ lệ rất nhỏ thực hiện hành vi; 18/208 đã và đang xác lập quyền, 1/208 có đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 17/208 DN chỉ đăng ký nhãn hiệu.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ ra, nói đến chống hàng giả và xâm phạm thương hiệu phải tiếp cận và thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, các bộ phận chức năng, cộng đồng DN, cũng như người tiêu dùng. Trước hết phải đặt câu hỏi: Có điều luật nào quy định về hàng nhái không, tại sao văn bản lại thêm chữ "nhái" để làm rối người tiêu dùng. Tiếp đến là thay đổi tư duy của cộng đồng, tiêu dùng.

Hiện có Nghị định 185 đưa ra định nghĩa về hàng giả mang tính liệt kê, như vậy chưa đủ, chưa theo kịp thực tế. Mà luật pháp chạy theo đời sống kinh doanh thực tế, cơ quan chức năng khó xử lý… Bên cạnh đó, nhiều DN khi bị xâm hại ngại không hợp tác với cơ quan chức năng, thì hành vi làm giả lần sau tinh vi hơn lần trước và công bố hàng giả thì người tiêu dùng không dám mua.

"DN cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu. Phải làm sao cho người tiêu dùng tiếp xúc được nhiều hơn, công bố công khai điểm bán, rà soát hệ thống phân phối để người tiêu dùng tin cậy. Nếu DN âm thầm chịu đựng, không nói ra, không gia tăng điểm tiếp xúc thương hiệu, thì tình trạng hàng giả còn phát triển mạnh" – ông Thịnh chia sẻ.

Khắc Kiên/Theo Tiêu Dùng

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/gian-nan-chong-hang-gia-1891.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.