Tem chống hàng giả, tem truy xuất tăng khả năng cạnh tranh cho rau an toàn
Toàn tỉnh có trên 120 cơ sở sản xuất RAT, với tổng diện tích canh tác gần 900ha được cấp giấy chứng nhận; trong đó có trên 40 cơ sở sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích trên 500 ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên.
Để góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất RAT trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có tính cạnh tranh cao khi đưa ra thị trường tiêu thụ, tháng 3/2018, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư phối hợp với 6 HTX sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh (HTX RAT Vân Hội Xanh; HTX RAT ViSa; HTX RAT Đại Lợi; HTX RAT Vĩnh Phúc; HTX sản xuất RAT Thanh Hà; HTX Nông nghiệp An Phước) triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả trên tổng số 6ha canh tác RAT.
Trước khi các HTX bước vào thời vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và vận hành quy trình xác thực chống hàng giả; thông báo các định mức triển khai chương trình và thống nhất với các cơ sở sản xuất phương pháp thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Quy trình xác thực chống hàng giả là một sáng chế khoa học hoàn toàn mới, mang tính tiên phong, có tính năng vượt trội về bảo mật và đột phá về công nghệ (kết hợp giữa mã QR, công nghệ in và quản trị hệ thống).
Đặc biệt, mỗi con tem có mã QR riêng biệt, được che phủ và tự hủy trên hệ thống sau khi đã được xác nhận trên hệ thống phần mềm kiểm tra mã vạch thông qua các thiết bị công nghệ thông minh như: Điện thoại di động; máy soi, đọc mã vạch…
Đối với các doanh nghiệp nói chung, các cơ sở sản xuất RAT nói riêng thì đây được coi là một giải pháp hữu hiệu hỗ trợ quản trị hàng hóa, sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ chăm sóc khách hàng.
Đồng thời, quy trình xác thực chống hàng giả giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, nhận biết được hàng thật, hàng giả khi mua hàng mà không mất thêm phí khi sử dụng; phương thức sử dụng đơn giản, tiện dụng.
Đây còn là giải pháp an ninh trong logistics và thương mại điện tử, góp phần nâng cao khả năng luân chuyển hàng hóa và dịch vụ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; giúp các cơ quan chức năng phòng ngừa đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
Hiện nay, tại các HTX sản xuất RAT đăng ký tham gia mô hình, tem chống hàng giả được sử dụng trên các loại rau, củ, quả như: Cà chua; các loại rau an lá; su su ăn ngọn; mướp; dưa chuột; bí đỏ… Qua theo dõi, đánh giá sơ bộ hiệu quả triển khai mô hình cho thấy, việc sử dụng tem chống hàng giả trên các loại RAT đạt được những kết quả khả quan.
Chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phước, thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) cho biết: Từ khi sử dụng tem chống hàng giả trên các sản phẩm RAT đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín và thương hiệu cho sản phẩm RAT của HTX, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, phân biệt sản phẩm RAT.
Nhờ vậy, giá bán của các sản phẩm RAT của HTX đạt cao và ổn định hơn. Hiện nay, HTX Nông nghiệp An Phước có 8 hộ thành viên, tham gia sản xuất trên diện tích hơn 4ha đất nông nghiệp.
Sản phẩm chủ lực của HTX là các loại rau ăn lá, như: Cải thảo, cải ngồng, cải ngọt, cải Hồng Kông, mồng tơi, cà chua, dưa chuột… Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp khoảng 20 – 30 tấn rau cải các loại, 9 – 10 tấn dưa chuột và 5 – 6 tấn cà chua cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội.
Hiệu quả bước đầu của mô hình hỗ trợ sử dụng tem chống hàng giả do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư triển khai góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất, các HTX RAT tham gia chương trình; tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Việt Sơn/Theo Báo Vĩnh Phúc