Từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát hơn 7.965 vụ, xử phạt hơn 3,66 tỷ đồng, trong đó vi phạm chủ yếu liên quan đến mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát trùng.
Điển hình như tại Hà Nội, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp cùng Đội 7, Phòng PC03, Công an TP Hà Nội, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Y tế Đức Anh (có địa chỉ tại số 5 ngõ 178, Tây Sơn, Đống Đa).
Kết quả, hơn 18.000 sản phẩm quần áo, kính, khẩu trang bảo hộ, vật tư y tế… đã được lực lượng chức năng thu giữ.
Đáng lưu ý, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều sản phẩm tem nhãn và nhiều loại hàng hóa bán thành phẩm như quần áo, kính, găng tay bảo hộ.
Tiếp đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh và Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an Quận 9 kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Song Thiên (Công ty Song Thiên) do bà Nguyễn Thị Tuyết Minh làm Giám đốc có địa chỉ tại số 254/17K Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Song Thiên có dấu hiệu vi phạm hành chính trong sản xuất hàng hóa là khẩu trang có bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng chống dịch COVID-19 của lực lượng đã gặp không ít khó khăn, do tác động của dịch bệnh, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch tăng cao mà nguồn hàng cung cấp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
Theo Tổng cục QLTT, lợi dụng nhu cầu tăng cao, do hám lợi, một số đối tượng gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trà trộn các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang không bảo đảm chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặt khác, hiện nay khuôn khổ pháp lý về xuất xứ hàng hóa chưa được hoàn chỉnh nên việc kiểm tra, xử lý loại hình gian lận này cũng gặp nhiều bất cập, khó khăn.
Đồng thời, vấn đề hàng giả, giả mạo xuất xứ, vi phạm nhãn hàng hóa được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt, nhất là qua mạng internet gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm.
Đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn… Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có nguồn gốc rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng thông qua thương mại điện tử ngày càng cao, việc chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu các công cụ trực tuyến, các quy định, chế tài còn thiếu, bất cập.
Quang Hùng/ Hải quan
https://haiquanonline.com.vn/kho-kiem-soat-khau-trang-dom-thoi-dich-covid-19-124692.html