Được cấp phép là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (tên gọi khác của TPCN), nhưng trên nhiều website, mạng xã hội, sản phẩm Cholessen lại được quảng cáo có công dụng như một loại thuốc chữa bệnh, thay thế được thuốc tây y trị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, men gan cao…, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người bệnh, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng.
Cụ thể, theo Giấy tiếp nhận đăng ký Công bố sản phẩm số 3064/2019/ĐKSP, do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp, thì sản phẩm Cholessen là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) cấp cho Công ty CP DECOTRA (Phòng 107A, tầng 1, tòa nhà 133 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội). Sản phẩm do Công ty CP Hóa Dược Việt Nam (số 192 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) sản xuất.
Theo đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh".
Tuy nhiên, trên hàng loạt website: http://cholessen.com/; https://cholessen.net/; http://biquyetgiammomaugannhiemmo.duocphamnano.com; https://cholessen.net/cholessen-giam-mo-mau-gan-nhiem-mo-men-gan-cao-cao-huyet-ap-an-toan-hieu-qua.html và một số trang mạng xã hội khác lại đăng tải nhiều bài viết, chia sẻ của khách hàng về sản phẩm Cholessen.
Nội dung các bài viết này có chung một nội dung, đó là: Khách hàng bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, men gan cao…, nhiều năm chữa trị không khỏi; nhưng chỉ cần uống sản phẩm Cholessen một thời gian, không cần sử dụng thuốc tây y, mà bệnh vẫn khỏi, người bệnh vẫn khỏe mạnh.
Đáng nói, trong nội dung những bài viết đăng tải tại các website nêu trên, đều không có một câu nào nhắc nhở bệnh nhân cần đi khám bệnh định kỳ, xin chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm Cholessen. Ngược lại, đều do bệnh nhân tự cảm nhận bệnh và sử dụng sản phẩm TPBVSK Cholessen.
Thậm chí, để tăng độ tin cậy tới người tiêu dùng, các website này còn không ngần ngại sử dụng những video, hình ảnh của các bác sỹ để chia sẻ về công dụng của sản phẩm như PGS.TS Nguyễn Thượng Dong, PGS.TS. BSCKII Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai, Ths-Bs Nguyễn Đình Liên…. Mặc dù, Thông tư số 08/2013/TT-BYT quy định cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Cấm quảng cáo bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Trong Phác đồ điều trị gan nhiễm mỡ, thì người bệnh cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị để tránh những ảnh hưởng không mong muốn của thuốc trong quá trình điều trị. Đồng thời, bệnh nhân cần phải kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ mỗi 6 tháng.
Cũng theo các chuyên gia y tế nhận định, mỡ máu cao là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên, những biến chứng của nó là vô cùng nguy hiểm.
Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Lượng mỡ trong máu quá cao sẽ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến hẹp động mạch, máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả tim. Nếu không điều trị, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bị mỡ đóng vào trong mạch máu tạo thành một mảng xơ vữa… gây tắc mạch máu và đây chính là nguyên nhân của bệnh đột quỵ.
Đặc biệt, người có mỡ máu cao thì tình trạng mạch máu bị bít, hẹp mạch máu nhiều hơn. Nếu xảy ra ở não thì gây ra tai biến mạch máu não. Nếu xuất hiện ở ruột sẽ gây tắc mạch máu nuôi ruột làm hoại tử ruột. Nếu xuất hiện ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim; ở chi gây tắc mạch máu chi…
Bệnh mỡ máu cao có thể gây ra 7 nguy cơ, đó là viêm tụy, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ, đau và tê chân, bệnh gan. Do đó, khi bị máu nhiễm mỡ, nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng".
Nếu những ai không tỉnh táo, khi đọc những bài viết về sản phẩm Cholessen đăng tải trên các website, mạng xã hội thì không khác gì cho rằng bệnh nhân chỉ cần dùng sản phẩm Cholessen, là bệnh sẽ khỏi, không cần phải sử dụng thuốc tây, không cần đi khám định kỳ và xin ý kiến của bác sĩ?
Đơn vị quảng cáo có nắm được hết tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, men gan cao… khi mua sản phẩm của mình, có biết họ có bệnh lý mắc kèm gì không?
Người bệnh làm theo lời quảng cáo, mà không may xảy ra những hậu quả nặng nề do việc tự ý điều trị như: Viêm tụy, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, đột quỵ,… thậm chí tử vong, thì ai chịu trách nhiệm?
Đáng nói, theo Xác nhận quảng cáo (được Cục ATTP cấp phép), sản phẩm trên chỉ có tác dụng: Hỗ trợ giảm cholesterol trong máu, hỗ trợ tăng cường chức năng gan. Nhưng thông qua quảng cáo, chúng lại được "hô biến" có khả năng: "Giảm mỡ máu, giảm gan nhiễm mỡ, men gan cao. Giúp bình ổn đường huyết, huyết áp cao. Giúp an thần ngủ ngon. Không chỉ giảm hoàn toàn được gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, Cholessen còn giúp kéo mỡ trong cơ quan phủ tạng ra thành dạng tự do để thải trừ ra ngoài (Đây là tác dụng đặc biệt của Cholessen mà không sản phẩm nào trên thị trường hiện nay có)".
Được biết, trên thị trường hiện nay, sản phẩm TPBVSK Cholessen được bán với mức giá niêm yết: 140.000 VNĐ/hộp, và mua càng nhiều giá càng giảm, khi mua từ 12 hộp giá chỉ còn: 115.000 VNĐ/hộp.
Luật Dược quy định rõ, cấm quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng công dụng được cấp phép, quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, phải chăng do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh so với những lợi nhuận khổng lồ mang lại, nên một số doanh nghiệp vẫn "nhắm mắt làm ngơ"?
Trước khi được bảo vệ bởi các cơ quan chức năng, thiết nghĩ, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tỉnh táo trước những lời quảng cáo khoa trương, sai sự thật về sản phẩm TPBVSK Cholessen. Người bệnh phải đi khám sức khỏe ở các bệnh viện, cơ sở y tế và thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Với những thông tin nêu trên, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp thu lợi nhuận từ việc quảng cáo "bát nháo"…, đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ:
"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;
b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.".