Như vậy, tính từ ngày 31/1 đến ngày 10/2/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế vi phạm.
Nguồn cung các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh chưa được cải thiện nên hiện tượng khan hàng đối với các mặt hàng trên xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế tiếp tục xảy ra tại phần lớn các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch bệnh ở Hà Nội. Tuy nhiên, một số công ty như Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Hoàng Dương, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và Hệ thống siêu thị Big C cung cấp các sản phẩm khẩu trang vải ra thị trường, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Khan hiếm khẩu trang, nhưng vẫn có một số đối tượng thu gom để mang sang biên giới tiêu thụ. Ngày 9/2/2020, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại phát triển Việt Phú, địa chỉ: số 28 BT6 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Đội phát hiện Công ty cho ông GUO CAILIN, quốc tịch Trung Quốc để nhờ 100.000 chiếc khẩu trang 3 lớp (2.000 hộp) hiệu Face Mask do Công ty cổ phần dược và thiết bị y tế Phúc Hà (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) sản xuất. Ông GUO CAILIN cho biết đã thu mua khẩu trang trên thị trường và thuê biệt thự làm nơi tập kết để mang sang biên giới tiêu thụ. Hiện tại đối tượng này chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 100.000 chiếc khẩu trang trên nên Đội QLTT số 06 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Lạng Sơn, việc triển khai tuyên truyền, vận động ký cam kết chất hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh của lực lượng chức năng đã phát huy tác dụng. Trong ngày 10/2, lực lượng chưa phát hiện cơ sở tăng giá bán, găm hàng đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát trùng. Do hạn chế về nguồn hàng cung cấp cho các cơ sở kinh doanh dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế nên nhiều cửa hàng thuốc, vật tư y tế không có khẩu trang để bán.
Tình trạng tương tự, nguồn cung mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn để phòng chống dịch nCoV tại một số quầy thuốc, nhà thuốc ở Khánh Hòa cũng rất hạn chế. Một số quầy thuốc, nhà thuốc được chỉ được cung cấp số lượng hạn chế mặt hàng khẩu trang y tế (2 – 3 hộp), dung dịch sát khuẩn (5 – 10 chai) giá bán tương đối ổn định. Một số nhà thuốc đã đặt hàng nhưng chưa có hàng để bán; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân tiếp tục tặng từ 01 – 02 chiếc khẩu trang y tế cho khách du lịch và người dân có nhu cầu nhằm góp phần bình ổn giá khẩu trang trên địa bàn tỉnh.
Tại Bình Dương, tại các siêu thị, mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn được nhập về với số lượng hạn chế và đều bán hết hàng trong 01 buổi. Đa số cơ sở kinh doanh thuốc tây, trang thiết bị y tế đã thông báo hết hàng, đang đặt hàng chờ nhà cung cấp.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống nhà thuốc Pharmacity vẫn có khẩu trang y tế để bán với số lượng hạn chế. Tại hệ thống siêu thị Coop Mart, lượng khách mua sắm các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh do tâm lý người tiêu dùng e ngại dịch bệnh kéo dài dẫn đến thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên đại diện siêu thị cho biết lượng hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo để cung cấp, không có tình trạng khan hiếm.
Thu Phương/ Công thương
https://congthuong.vn/tich-thu-hon-123-nghin-khau-trang-y-te-va-gan-1800-chai-gel-nuoc-rua-tay-trong-ngay-102-132436.html