Theo ông Hồng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay thực sự đã trở thành một quốc nạn của đất nước, và những thiệt hại về kinh tế đến đời sống xã hội của nó là vô cùng to lớn. Các doanh nghiệp tốn công tốn sức xây dựng thương hiệu, khi đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ủng hộ thì cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái. Làm sao để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp là câu hỏi được nhiều đại biểu đưa ra và tìm cách giải quyết tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đại diện HATAP cho biết, theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, Lực lượng Quản lý thị trường trên cả Nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 29.403 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, giả về chất lượng công dụng 2.288 vụ, giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý 1.534 vụ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 316 vụ, vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa 350 vụ và nhãn dán hàng hóa 22.850 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 58 tỷ đồng.
Theo HATAP, hiện nay, công tác chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cần phải nhìn nhận là: bất chấp những nỗ lực đó, doanh nghiệp vẫn bị thiệt hại bởi nạn hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mua sắm những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Xuất phát từ nhu cầu trên, tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần một giải pháp cụ thể, có thể áp dụng đại trà cho đông đảo người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết một cách dễ dàng và nhanh chóng sản phẩm chính hãng. Đây là một cách "tuyên chiến" và chống lại nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ một cách trực tiếp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hồng đã giới thiệu và đề xuất đến các doanh nghiệp giải pháp chống hàng giả bằng cách giúp người tiêu dùng truy xuất nhanh nguồn gốc và thông tin sản phẩm của mình thông qua tem chống hàng giả thông minh VinaCheck, được kết hợp với một ứng dụng trên các thiết bị di động.
Theo đó, VinaCheck là một loại tem chống hàng giả thông minh được kết hợp nhiều công nghệ chống hàng giả, từ đơn giản đến phức tạp, thông qua ứng dụng quét mã vạch QR Code và quản lý hàng hoá, giúp người tiêu dùng nhanh chóng xác nhận hàng chính hãng, đồng thời giúp DN quản lý được sự lưu thông của sản phẩm trên thị trường, kích hoạt bảo hành sản phẩm và một loạt các tiện ích giúp DN quảng bá thương hiệu hiệu quả.
"Tôi hy vọng qua giải pháp tem thông minh VinaCheck sẽ giúp các DN và các cơ quan chức năng giảm thiểu được vấn nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ như hiện nay", ông Hồng chia sẻ.
Hội thảo "Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cho Doanh nghiệp" hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 2016 (29/11) do Vina CHG phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức. Sau Hà Nội, Vina CHG sẽ cùng với Cục Sở hữu trí tuệ CN TPHCM và Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM tổ chức Hội thảo cùng tên tại TPHCM vào ngày 17/11 tới.
Theo Vina CHG