Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP, VCCI cho biết hành vi làm giả tem, nhãn, mác, bao bì (theo điều 13-14 của Dự thảo) cần tăng nặng hình thức xử phạt.
Bởi lẽ, tem, nhãn, bao bì là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết đối với một sản phẩm. Từ phía người sử dụng, các yếu tố này có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với quyết định lựa chọn, phân biệt hàng giả với hàng thật.
"Mặc dù tem, nhãn, bao bì có giá trị không lớn, chưa tác động trực tiếp đến sức khỏe hay môi trường của con người, nhưng lại là điều kiện tiên quyết dẫn đến hậu quả sau khi người tiêu dùng sử dụng những thứ được dán tem, nhãn hoặc chứa đựng bên trong bao bì.
Người buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng khó có thể thu lợi nếu không có bao bì giống thật đến mức khó hoặc không phân biệt được với hàng thật"- VCCI nêu quan điểm.
Do đó, VCCI cho rằng cần phải đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của các hành vi nêu trên, từ đó đưa ra mức xử phạt nặng hơn so với quy định tại Dự thảo (cao nhất là 50 triệu đồng).
VCCI đề xuất nâng khung hình phạt lên cao nhất 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Tương tự, với nội dung quy định về hoạt động bán hàng đa cấp tại Dự thảo, VCCI cho rằng có một số hành vi vi phạm có mức xử phạt chưa tương xứng.
Chẳng hạn như: hành vi: "Không phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp";
Hành vi "Không xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc không tuân thủ giá bán đã công bố" (được quy định tại điểm k Khoản 5 Dự thảo với khung xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng)…
Do hành vi này có tính chất nghiêm trọng hơn so với các hành vi khác cùng khoản vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi tài chính của người tiêu dùng nên VCCI cho rằng hành vi này khung xử phạt cao hơn (có thể là từ 30 đến 40 triệu đồng) để đảm bảo tính răn đe.
Mặt khác, xuất phát từ thực tế có nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến bán hàng đa cấp gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, ảnh hưởng không tốt tới xã hội thời gian vừa qua, VCCI cho rằng cần thiết phải cân nhắc nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp để bảo đảm đủ tính răn đe và bù đắp được chi phí của xã hội.
Hà Linh/Theo An Ninh Thủ Đô