Hồ Chí Minh,

Vụ kiện số 126/19 HCM tại VIAC: Nguyên đơn phản ứng vì có sự thiếu công tâm?

Định Khang  29/03/2020 16:01

Doanh nhân người cao tuổi, ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong, là nguyên đơn khởi kiện tranh chấp 3 máy ly tâm Separator tinh chế dầu dừa VCO không đạt chất lượng, yêu cầu phía bị đơn trả lại 245.152 Euro (hơn 6,29 tỷ đồng). Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh thụ lý đến nay đã hơn 7 tháng vẫn chưa đưa ra phán quyết. Có quá nhiều vấn đề bất thường khiến nguyên đơn bức xúc, gửi văn bản đến Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Mua 7 máy, chỉ sử dụng được 4 (!)

Đại diện Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong), trụ sở đặt ấp Long Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trình bày: Công ty Thuận Phong đã ký hợp đồng mua 7 máy chuyên dụng của Công ty Haus Santrifuj Teknolojileri Sanayi Tíc. Ltd. Sti (Công ty Haus, trụ sở tại Thổ Nhĩ Kì). Trong đó, Công ty Thuận Phong sử dụng tốt 4 máy (1 máy tách bùn, 1 máy tách dầu dừa từ nước dừa tươi và 2 máy trong dây chuyền sản xuất trái cây); còn 3 máy ly tâm Separator (tách dầu dừa từ nước cốt dừa) không đạt chất lượng.

3 máy ly tâm Separator tinh chế dầu dừa VCO không đạt chất lượng

Tại thời điểm ký Hợp đồng thương mại số 012/TP ngày 11/8/2016 (Hợp đồng số 012/TP) mua 3 máy Separator và 2 máy Decanter (tách dầu dừa từ nước dừa tươi), Công ty Thuận Phong chưa có nhiều kiến thức về công nghệ sản xuất dầu dừa tinh khiết nên nghe theo tư vấn của ông Võ Anh Huy, đại diện Công ty Quang Huy, là nhà phân phối của Công ty Haus tại Việt Nam để mua các máy trên.

Do ông Huy cũng không am tường nên 3 máy Separator về đến nhà máy của Thuận Phong tháng 2/2017 phải "trùm mền" hơn 1 năm, cho đến khi công ty tìm được đơn vị tư vấn, hỗ trợ, thực hiện thành công việc tách ẩm chân không sau ly tâm.

Tháng 4/2018, ông Huy tư vấn lắp đặt 3 máy Separator cùng các thiết bị phụ trợ do Quang Huy bán thêm hơn 122 triệu đồng. Lắp đặt xong, Công ty Haus cử chuyên gia đến nhà máy Thuận Phong vận hành thử rất nhiều lần từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019.

Những lần vận hành, Thuận Phong luôn hỗ trợ tối đa về nhân sự cũng như nguyên, nhiên vật liệu. Có thời điểm nhân viên Thuận Phong phải thức đến tận 3, 4 giờ sáng để hỗ trợ nhưng dầu vẫn không đạt chất lượng sau ly tâm. Cả công suất cũng chưa bao giờ đạt 4.000 lít/giờ như đã thỏa thuận trong Hợp đồng 012/TP.

Ngày 4/3/2019, đại diện 3 công ty, gồm Thuận Phong, Haus và Quang Huy có buổi họp bàn phương cách giải quyết. Đại diện Haus cam kết: Haus và Quang Huy tự cân chỉnh thiết bị, chạy lần cuối, chịu trách nhiệm cho ra kết quả đảm bảo yêu cầu về chất lượng dầu VCO sau ly tâm lần thứ ba phải đạt hàm lượng ẩm tối đa 0.5%; công suất 4.000 lít/giờ.

Trong vòng 70 ngày kể từ ngày 4/3/2019. Nếu Haus không cho ra sản phẩm đạt chất lượng như trên thì Haus cam kết chuyển trả lại cho Thuận Phong toàn bộ số tiền của 3 máy Separator trong thời hạn 20 ngày và thu hồi thiết bị…

Biên bản ngày 04/3/2019 giữa ba Công ty Thuận Phong, Haus và Quang Huy

Bản dịch Biên bản ngày 4/3/2019

Sau 70 ngày chạy máy vẫn không đạt chất lượng. Đại diện 3 công ty tiếp tục lập biên bản ngày 15/5/2019, Thuận Phong gia hạn thêm 2 tuần để Haus cân chỉnh. Trong các ngày 28, 30 và 31/5/2019, các bên tiến hành nghiệm thu lần cuối với sự hiện diện của ông Olgun Ugurdogan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Haus cùng nhân viên của Quang Huy và Thuận Phong nhưng kết quả vẫn không đạt theo các thông số kỹ thuật đã thống nhất tại biên bản ngày 04/3/2019. Đại diện Haus không ký bàn giao kết quả nghiệm thu mà tự tiện bỏ về.

Do Công ty Haus vi phạm cam kết nên ngày 6/6/2019, Công ty Thuận Phong gửi văn bản yêu cầu Công ty Haus hoàn trả lại số tiền mua 3 máy đồng thời thu hồi thiết bị như đã thỏa thuận trong biên bản ngày 4/3/2019. Ngày 16/6/2019, Haus phúc đáp không thừa nhận 3 máy chưa đạt chất lượng nên không chịu thu hồi như cam kết.

Đại diện Công ty Thuận Phong bức xúc: "Tin tưởng Haus xuất xứ châu Âu, có bề dày gần 100 năm, sẽ lắp đặt hệ thống máy đạt chất lượng nên Công ty Thuận Phong đã mua một lượng rất lớn nguyên liệu sản xuất lưu trữ.

Do hợp đồng kéo dài quá lâu, bên bán thiếu thiện chí, đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, căn cứ vào cam kết của Công ty Haus tại hai biên bản ngày 4/3/2019 và ngày 15/5/2019, Công ty Thuận Phong đã ký Hợp đồng mua thiết bị của hãng khác để thay thế và hiện nay thiết bị này đã được chế tạo, chuẩn bị bàn giao, lắp đặt".

Bao giờ Hội đồng Trọng tài mới ra Phán quyết?

Căn cứ Điều 10 của Hợp đồng 012/TP và biên bản thỏa thuận ngày 4/3/2019, Công ty Thuận Phong đã khởi kiện Công ty Haus ngày 16/7/2019. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã thụ lý vụ tranh chấp số 126/19 HCM, ra văn bản ngày 2/8/2019, yêu cầu nguyên đơn nộp 297,4 triệu đồng "phí trọng tài". Thuận Phong đã nộp đủ.

VIAC đã thành lập Hội đồng Trọng tài, tổ chức nhiều phiên họp để giải quyết vụ tranh chấp nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết. Ngày 4/3/2020, phía bị đơn có đơn đề nghị trưng cầu giám định "3 máy Separator và 2 máy Decanter".

Ngày 6 và 9/3/2020, nguyên đơn đã gửi hai văn bản nêu rõ quan điểm không chấp nhận yêu cầu của bị đơn vì không có căn cứ. Tài liệu và hồ sơ mà nguyên đơn trình bày khi khởi kiện cũng như tại các phiên họp, đã đủ căn cứ để Hội đồng Trọng tài xem xét, đưa ra phán quyết.

Cũng ngày 9/3/2020, nguyên đơn có Văn bản 1243/CV-TP gửi Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu rõ: "Công ty Thuận Phong nộp đơn khởi kiện đã được VIAC – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh thụ lý số 126/19 HCM, đến nay đã hơn 7 tháng. Thuận Phong đã tham dự 5 phiên họp giải quyết nhưng Hội đồng Trọng tài vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Việc kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Công ty Thuận Phong kính mong Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xem xét để vụ việc nhanh chóng được phán quyết, tạo điều kiện cho công ty sớm ổn định đầu tư máy móc thiết bị, sản xuất kinh doanh".

Về phía Hội đồng Trọng tài, thay vì thận trọng xem xét ý kiến của nguyên đơn thì Hội đồng lại "chiều" theo bị đơn, quyết định tổ chức giám định "công suất nguyên liệu đầu vào cho một giờ và tỷ lệ thu hồi thành phẩm" đối với 5 máy (gồm 3 máy Separator và 2 máy Decanter).

Đại diện nguyên đơn phản ứng gay gắt: Công ty Thuận Phong đã nêu quan điểm không chấp nhận đề nghị của bị đơn với các chứng cứ thuyết phục. Rõ ràng, bị đơn đã "không thực hiện nghĩa vụ và vi phạm cam kết" nên không cần phải giám định. Vậy mà Hội đồng Trọng tài lại làm ngơ. Không chỉ "chiều", Hội đồng Trọng tài còn rất "thương" bị đơn.

Hồ sơ thể hiện nguyên đơn khởi kiện 3 máy Separator với tổng giá trị tranh chấp 245.152 Euro, đóng phí trọng tài trên số tiền này. Còn còn 2 máy Decanter, mỗi máy giá 65.000 Euro không phải là đối tượng tranh chấp trong vụ kiện. Vậy mà Hội đồng Trọng tài cho giám định 5 máy, có tổng giá trị lên đến 375.152 Euro thể hiện sự không công tâm, khách quan.

Luật sư Lê Hà Vĩnh Trường, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp 3 máy ly tâm. Phía bị đơn có quyền kiện lại theo quy định tại Điều 36 Luật Trọng tài thương mại và Điều 10 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC. Nhưng thực tế bị đơn không có đơn kiện lại, mà Hội đồng Trọng tài cho giám định 5 máy là hoàn toàn không có căn cứ và trái quy định pháp luật.

Trong văn bản mới nhất ngày 23/3/2020, nguyên đơn đề nghị Hội đồng Trọng tài không thực hiện việc trưng cầu giám định và tiếp tục phiên họp, ban hành Phán quyết Trọng tài theo đúng quy định pháp luật…

Văn bản của Công ty Thuận Phong gửi Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Được biết, Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ kiện này, gồm ba Trọng tài viên, trong đó có Trọng tài viên Nguyễn Chính, người được dư luận, trong đó có Báo Người cao tuổi phản ánh thời gian qua do liên quan đến Vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013 giữa CPL và Công ty CP ĐOHP, tranh chấp Dự án hơn 130 triệu USD ở tỉnh Long An.

Hội đồng Trọng tài do Trọng tài viên Nguyễn Chính ngồi ghế Chủ tịch lại tuyên buộc hai bên lập "Công ty liên doanh". Nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra Phán quyết Trọng tài có nhiều dấu hiệu trái luật. Bởi việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay.

Luật sư Phạm Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, có quan điểm: Phán quyết Trọng tài "ép" hai bên phải liên doanh, là thể hiện dấu hiệu vi Hiến, vi phạm quyền tự do kinh doanh. Không có quy định pháp luật nào buộc các bên tiếp tục hợp tác với nhau.

Luật sư Phạm Thanh Sơn

Cả việc "đơn phương chấm dứt" hợp tác cũng là một quyền (!). Các bên không hợp tác liên doanh nữa thì giải quyết hậu quả của việc không hợp tác như thế nào, tính toán xác định thiệt hại, người nào hoàn trả cho người nào…

Phán quyết Trọng tài có dấu hiệu sai mang tính hệ thống, do có hàng loạt vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung, nên nhiều năm trôi qua vẫn không thể thi hành, khiến tranh chấp càng thêm phức tạp, kéo dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng …

Theo Ngày Mới Online
Link: https://ngaymoionline.com.vn/vu-kien-so-126-19-hcm-tai-viac-nguyen-don-phan-ung-gay-gat-vi-hoi-dong-trong-taixu-ly-thieu-cong-tam-17104.html

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/vu-kien-so-126-19-hcm-tai-viac-nguyen-don-phan-ung-vi-co-su-thieu-cong-tam-14802.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.