Theo đó, Cục Quản lý Dược vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid), SĐK: VD28109-17, nhà sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, có quy cách đóng gói lọ 400 viên, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay và viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD25305-16, nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay.
Ảnh minh họa
Theo Cục Quản lý Dược, cả 2 loại thuốc nêu trên đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Cao Bằng và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thái Bình lấy mẫu kiểm định. Kết quả các mẫu thuốc đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng và độ hòa tan.
Công văn nêu rõ, báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh thuốc viên nén Tetracyclin TW3, số GPLH: VD-28109-17 và viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), số GPLH: VD-25305-16, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 khẳng định từ ngày 1/1/2021 đến nay, đơn vị này không sản xuất lô thuốc viên nén Tetracyclin TW3 nào có quy cách đóng gói lọ 400 viên.
Cùng với đó, báo cáo cũng khẳng định, từ ngày 16/9/2019 đến nay, cũng không sản xuất bất kỳ lô thuốc viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16 nào.
Như vậy, các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, có quy cách đóng gói lọ 400 viên, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay và các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, có ghi ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay, đều là thuốc giả.
Một phần công văn của Cục Quản lý Dược
Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các địa phương:
Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ;
Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (cơ quan công an, quản lý thị trường, hải quan, ban chỉ đạo 389 của tỉnh, thành phố…), tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm;
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan;
Sở y tế các địa phương phối hợp với sở thông tin và truyền thông tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp;
Không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.
Theo Hoàng Bách/Thương hiệu Công luận