Hồ Chí Minh,

Cảnh giác về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Định Khang  27/07/2022 11:05

Trong thời gian qua, tính riêng TP. Hà Nội đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ giả làm con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức để đi thi hộ. Thậm chí, các đối tượng còn làm giả con dấu, tài liệu của Thủ tướng Chính phủ gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân cần cảnh giác với những hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.

Hành vi làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng tài liệu đó hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của tổ chức, cơ quan Nhà nước và lợi ích hợp pháp của người dân.

Cảnh giác về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh minh hoạ
Cảnh giác về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh minh hoạ

Ngày 3/7, tại phòng thi số 200 trong kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật của Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Công an quận Cầu Giấy phối hợp với hội đồng kỳ thi phát hiện thí sinh mang số báo danh 361.xx tên P.V.T. có dấu hiệu sử dụng chứng minh thư nhân dân giả để vào thi. Làm việc với cơ quan chức năng, người này khai tên thật là V.D.H. (32 tuổi, trú tại Hà Nội), được thuê đến thi hộ cho người tên P.V.T. với giá 4 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện một nữ sinh viên đang học tại một trường đại học ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội sử dụng thẻ Căn cước công dân mang tên người khác để đi thi hộ.

Tiếp đến, ngày 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Hoàng (SN 1988, trú phường Đồng Tiến, Hoà Bình) và Vũ Duy Hùng (SN 1990, trú phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) về hành vi giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Huy Hoàng đã làm giả giấy tờ dự thi cho Vũ Duy Hùng đi thi hộ cho người khác để có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nhật  trình độ N3 với giá 4 triệu đồng. Hùng mang giấy tờ giả đến Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội để dự thi thì bị giám thị phát hiện, báo cho cơ quan công an.

Ngày 22/7, Công an quận Cầu giấy đã khởi tố và bắt hai bị can làm giấy tờ giả là Trần Văn Dũng (sinh năm 1994, trú thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) và Đỗ Hữu Hưởng (sinh năm 2000, trú tại thôn La Phù, xã Ninh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình) đã xác định hai đối tượng làm giả thẻ căn cước công dân để đi thi hộ tại một trường chuyên sư phạm vào đầu tháng 7 vừa qua.

Khi có khách muốn làm giả căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hay thẻ sinh viên, Trần Văn Dũng yêu cầu họ cung cấp thông tin, hình ảnh thẻ cần làm giả. Tiếp đến, Dũng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên máy tính cắt ghép, chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu, rồi in ra, dùng máy ép nhiệt, máy cắt phôi để hoàn thiện thành phẩm.

Mỗi chiếc thẻ làm giả, đối tượng thu từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Sau đó, Trần Văn Dũng thuê Đỗ Hữu Hưởng mang giao cho khách với giá 100.000 đồng/thẻ.  Hiện vụ việc vẫn đang được Công an quận Cầu Giấy đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Việc làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức đáng báo động hơn khi vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3839/VPCP- NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vụ việc đối tượng sử dụng con dấu, tài liệu giả của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công an có gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xác minh điều tra ban đầu về đối tượng Vũ Thị Hương Lan (thường trú phường Hồng Thái, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; tạm trú phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) đã mạo danh là cán bộ Văn phòng Chính phủ. Lan đã sử dụng con dấu, tài liệu giả của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về giải ngân nguồn vốn an sinh xã hội cho các doanh nghiệp vay nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền vốn đối ứng 3% khoản vay này của các doanh nghiệp.

Việc Vũ Thị Hương Lan sử dụng con dấu, tài liệu giả trên đã ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính. Hiện Bộ Công An tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan đến việc làm giả tài liệu, con dấu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan Nhà nước.

Theo luật hiện hành, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm (Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Như vậy, hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi nên người dân cần cảnh giác và báo ngay cơ quan điều tra khi phát hiện những tài liệu giả đó.

Theo Hà Phương/Kỹ thuật chống hàng giả & gian lận thương mại

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/canh-giac-ve-hanh-vi-lam-gia-con-dau-tai-lieu-cua-co-quan-to-chuc-24478.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.