Hồ Chí Minh,

Doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái: Quan tâm nhiều, hành động ít

Định Khang  11/06/2018 14:54

Khảo sát 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ cho thấy, 90% trong số đó sợ sản phẩm của mình bị làm nhái, nhưng có đến 70% sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm khác. PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại) nêu câu chuyện này tại Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ" ngày 6/6 và cho đó là một nghịch lý.

chống hàng giả, hàng giả, hàng nhái
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hàng giả như "ký sinh trùng"

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện, chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa. Điển hình như các vụ việc liên quan đến Công ty Thuận Phong, Công ty TS và Tập đoàn Khải Silk

Qua đó cho thấy tình trạng giả nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm lưu thông trên thị trường rất đáng báo động. Hệ lụy tiêu cực mà vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mang lại cho xã hội là không nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin với tính minh bạch của thị trường, giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Tại Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ", Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, người tiêu dùng rất lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường.

Theo ông Hùng, do lợi nhuận cao, hàng giả như "ký sinh trùng" sống nhờ vào hàng thật, luôn thay đổi để "kháng thuốc" nên tồn tại dai dẳng. Hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Các đối tượng in lậu tem nhãn, bao bì giả xuất xứ, giả các nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc làm theo đơn đặt hàng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, làm theo mùa vụ nên rất khó kiểm soát.

Thêm đó, hàng giả, hàng nhái chủ yếu được vận chuyển, tiêu thụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc được trà trộn với hàng thật ngay trong các đô thị. Nổi lên một số nhóm mặt hàng được làm giả nhiều trong thời gian gần đây như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc chữa bệnh.

Trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu diễn biến ngày càng phức tạp thì những bất cập, hạn chế từ cơ chế chính sách, chế tài xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Trưởng bộ môn quản trị Thương hiệu, Trường Đại học Thương mại, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, khái niệm về hàng giả hiện được quy định trong Nghị định 185 và định nghĩa này tiếp cận theo hướng liệt kê, kể ra những thứ như thế nào là hàng giả.

Đã liệt kê thì sẽ không đủ vì cái mới liên tục xuất hiện nên cơ quan thực thi rất khó xử lý. Hơn nữa, trong khái niệm hàng giả không kiểu dáng công nghiệp,  nhưng hiện nay có nhiều hàng giả bắt chước về kiểu dáng, do vậy chỉ xử được theo Luật Sở hữu trí tuệ, mà tội danh này nhẹ hơn nhiều so với làm hàng giả.

Thiếu hành động thực thi

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, việc chống hàng giả, hàng nhái cần phải được thực hiện từ tư duy đến hành động, cần thay đổi nhận thức trong cả một cộng đồng từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp phải hạn chế tối đa việc xâm phạm sở hữu trí tuệ trong sản xuất cũng như tiêu dùng.

Bản thân người tiêu dùng phải nhận thức được việc sử dụng hàng giả là không tốt và không nên. Thực tế hiện nay, đại bộ phận người tiêu dùng vẫn quan niệm những sản phẩm giả thông thường sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, giá cả lại rẻ hơn nhiều so với hàng thật nên họ sẵn sàng sử dụng. Đó chính là nguyên nhân cản trở công cuộc chống hàng giả hiện nay.

Qua nhiều khảo sát, ông Thịnh cho biết số doanh nghiệp quan tâm tới chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khá nhiều nhưng hành động thực thi lại chưa cao. Số doanh nghiệp đăng ký xác lập yếu tố về sở hữu trí tuệ để bảo đảm quyền pháp lý chính đáng còn rất thấp.

Cụ thể, trong 208 doanh nghiệp khảo sát thì chỉ có 18 doanh nghiệp đã xác lập các yếu tố về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, tuy doanh nghiệp nói quan tâm và sợ sản phẩm của mình bị sao chép nhưng chính họ lại sẵn sàng sử dụng hàng nhái và sao chép lại mẫu mã sản phẩm của người khác.

Ông dẫn chứng trong 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, 90% doanh nghiệp sợ sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm nhái, nhưng 70% doanh nghiệp được hỏi lại trả lời sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm khác và cho rằng "đây là một nghịch lý".

Nhiều chuyên gia nhận định, trước tiên phải tuyên truyền để cộng đồng tiêu dùng hiểu rõ, nhận thức sâu. Cùng với đó, cần tăng mức độ chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt là phải xử lý hình sự với những trường hợp gây nguy hại tới sức khỏe của con người.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, chống hàng giả không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, và toàn xã hội. Đây cũng là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/doanh-nghiep-trong-dau-tranh-chong-hang-gia-hang-nhai-quan-tam-nhieu-hanh-dong-it-1906.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.