Hồ Chí Minh,

Tem kiểm soát và việc chống hàng giả, hàng lậu

Định Khang  04/08/2017 14:10

Hàng giả, hàng lậu đang là một vấn đề mà người tiêu dùng, cũng như cơ quan chức năng phải đối mặt. Nhiều hội nghị chuyên đề về tình trạng này đã được tổ chức, qua đó các biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến xử lý vi phạm đã được đề xuất,… nhưng trên thực tế, tệ nạn này vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn.

Ngày 20-7-2017, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2017 và đề ra nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.

Theo thông tin từ hội nghị, trong sáu tháng đầu năm cả nước phát hiện 88.564 vụ vi phạm (bằng 93,7% so cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.949 tỷ đồng (tăng 40,4% so cùng kỳ năm trước), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng. Những con số này cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra với quy mô lớn, phức tạp, vì thế đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành và địa phương. Và một trong số các biện pháp đã được đề xuất, được nhiều ngành áp dụng, thực hiện trong những năm qua là dán tem kiểm soát trên sản phẩm và các xuất bản phẩm

Xem thêm: Ở Việt Nam có những giải pháp chống hàng giả nào?

Việc dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ được áp dụng cho nhiều mặt hàng nhập khẩu, từ rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, hoa quả đến hàng hóa trong nước, như băng – đĩa phim, băng – đĩa ca nhạc, sách… Tuy nhiên, tùy vào loại mặt hàng và cơ quan quản lý mà có sự khác nhau ở hình thức tem và phát hành tem.

Hiện nay, trong lĩnh vực này tồn tại một số bất cập. Như tem kiểm soát dán trên các chai rượu nhập khẩu đôi khi có thể gặp hiện tượng dù đã bóc tem khỏi chai rượu nhưng tem vẫn còn nguyên vẹn, và có thể tiếp tục dán lên chai rượu khác (?). Vì vậy, trên thực tế, tác dụng của loại tem như thế là rất hạn chế, mang tính hình thức là chính.

Đối với tem dán trên trái cây nhập khẩu, đó là loại tem có thể mua được ở nhiều nơi, hình thức giống hệt tem thật vốn vẫn được dán lên hoa quả nhập khẩu từ các thị trường mà người tiêu dùng tin cậy, ưa chuộng. Tình trạng dán tem gọi là "nhập khẩu" lên trái cây hiện đã trở nên phức tạp đến mức báo chí gọi đó là "ma trận các loại tem dán trái cây nhập khẩu"!

Đối với tem kiểm soát trên đĩa ca nhạc do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành cũng dễ bị làm giả vì in khá đơn giản. Nhiều đĩa nhạc, đĩa hình không hề dán tem vẫn được bày bán công khai trong các cửa hàng từ thành thị đến nông thôn, với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm thật đến hàng chục nghìn đồng…

Vì vậy có thể nói, tuy biện pháp dán tem kiểm soát được áp dụng đối với nhiều sản phẩm nhưng kết quả thì dường như lại chưa được như mong đợi, chưa giúp ngăn chặn được nạn dán tem giả, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất và các đơn vị kinh doanh; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người tiêu dùng, khi họ không thể phân biệt được hàng giả, hàng thật qua nhận biết con tem.

Với xuất bản phẩm, hai sản phẩm được dán tem, gồm sách và lịch blốc. Thực tế cho thấy, không phải sách của nhà xuất bản nào cũng được dán tem kiểm soát, mà chỉ có sách bán chạy, in với số lượng lớn của một số nhà xuất bản mới được dán tem.

Riêng Nhà xuất bản Giáo dục thì tất cả các tên sách khi ra thị trường đều dán tem kiểm soát. Ngoài biện pháp dán tem, nhà xuất bản này còn dùng giấy đặc chủng và một số biện pháp kỹ thuật đặc biệt khác để chống in lậu. Ngoài Nhà xuất bản Giáo dục, một số nhà xuất bản khác như Chính trị Quốc gia, Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ,… là có dán tem kiểm soát trên sách. Như vậy, có thể nhận thấy tem kiểm soát dán trên sách đều do các nhà xuất bản tự tổ chức thiết kế mẫu mã và in, sau đó giao cho các nhà in với số lượng tương ứng từng tựa sách.

Hiện nay, việc sản xuất tem kiểm soát phần lớn được áp dụng công nghệ hologram bởi giá thành thấp so với một số công nghệ khó làm giả nhưng đắt hơn (hologram là công nghệ in một bức ảnh phẳng, ở đây là tem, nhờ bố trí các chi tiết có thể phản xạ ánh sáng một cách thích hợp mà tem nổi lên như một ảnh có chiều sâu, khi nhìn dưới các góc nhìn khác nhau sẽ hiện lên mầu sắc hoặc chi tiết khác nhau).

Theo Giám đốc Công ty sản xuất bao bì và tem nhãn chống giả quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, với công nghệ này, người làm giả chỉ cần 10 tới 15 ngày là có thể sản xuất mẫu tem giả, người tiêu dùng bình thường không thể phân biệt được so với tem thật. Những năm gần đây, việc dán tem chống hàng giả trên lịch blốc đạt hiệu quả nhất định do tính thời vụ cao của mặt hàng này.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản và các cơ sở sản xuất đã có kinh nghiệm cho nên hạn chế được việc làm tem giả. Nhưng nếu áp dụng cơ chế quản lý (gồm cả việc huy động bộ máy với các cơ quan như thanh tra chuyên ngành, công an, tài chính…) cho tất cả các bản sách thì bộ máy, chi phí sẽ tăng lên, nhiều thủ tục giao nhận, quản lý, kiểm soát dán tem sẽ gây chậm trễ cho hoạt động xuất bản.

Vì vậy, rất khó để cơ quan quản lý dán tem kiểm soát lên tất cả xuất bản phẩm, mà có lẽ nên để các nhà xuất bản tự thực hiện. Và như thế, chỉ cần các cơ quan quản lý làm đúng chức năng, nhiệm vụ là xây dựng chế định, chế tài, thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm.

Theo Luật Xuất bản có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, điểm c khoản 2 Điều 10 Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản chỉ rõ việc nghiêm cấm thực hiện hành vi "in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm".

Điểm cần nhấn mạnh là Luật Xuất bản đã đưa vào một số hình phạt bổ sung, như: ngừng hoạt động, hoặc thu hồi giấy phép, thu hồi chứng chỉ hành nghề với tổ chức, cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản; quy định chặt chẽ với mức cao hơn khi phát hiện hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định pháp luật, với lỗi nghiêm trọng thì bị xử lý về hình sự. Và điều này là rất cần thiết, khi nạn in lậu, vi phạm quyền tác giả đang là vấn đề nhức nhối trong in ấn, phát hành xuất bản phẩm.

Dù gần đây ít có vụ việc in lậu sách giấy bị phát hiện và công bố trên các phương tiện truyền thông, nhưng không phải như thế là tệ nạn này đã bị đẩy lùi, mà theo nhiều nhà xuất bản, nhà sách cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là món lợi bất chính từ in lậu sách giấy không còn hấp dẫn như trước, khi số lượng in bình quân giảm do thị hiếu người đọc ngày càng đa dạng, trong lúc chi phí in ấn, phát hành sách giấy cao hơn nhiều lần so với sách điện tử, sách nói.

Ở thời điểm hiện tại, việc vi phạm quyền tác giả ở sách điện tử, sách nói lại là vấn đề đang nổi lên, cần sớm có biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý mạnh mẽ; cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chủ sở hữu quyền tác giả. Khi căn bệnh chỉ mới manh nha, nếu tập trung chữa trị kịp thời, đúng hướng, dứt điểm sẽ không trở thành bệnh nan y. Và cũng lưu ý rằng, với sách điện tử, sách nói thì việc dán tem kiểm soát là điều không thể thực hiện.

Những năm qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đưa ra nhiều biện pháp; các nhà xuất bản, nhà sách nắm giữ tác quyền thậm chí đã khởi kiện ra tòa một số đối tượng bị cho là xâm phạm bản quyền, nhưng thực tế nhiều vụ việc kéo dài, tốn kém thời gian và chi phí, mà kết quả không được như kỳ vọng. Vì thế, từ thực tiễn hoạt động xuất bản, thiết nghĩ trước hết, cần gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan để cả xã hội hiểu đúng, nhận diện được sách lậu, sách giả (gồm cả sách giấy, sách điện tử, sách nói).

Bên cạnh đó, khi xử phạt vi phạm hành chính cần áp dụng hình phạt bổ sung là rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm đối với hành vi làm sách lậu, sách giả.

Thực tế cho thấy, một vài cá nhân không thể làm sách lậu, mà để làm được sách lậu, phải có sự câu kết của nhiều đối tượng, có tổ chức chặt chẽ. Cùng với việc quản lý bằng luật pháp, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, chống các hành vi vi phạm thông qua hội nghề nghiệp. Và trên phương diện xã hội, qua các phương tiện truyền thông, hệ thống cửa hàng sách, các hội chợ sách, Ngày Sách được tổ chức định kỳ trong những năm gần đây mà ý thức của người dân về chống sách lậu, sách giả được nâng cao. Đương nhiên, đây là công việc cần thời gian, đòi hỏi nỗ lực cao, sự kiên trì, liên tục, cần có sự phối hợp lâu dài của nhiều ngành và các địa phương.

NGUYỄN KIỂM
Theo Nhân Dân

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/tem-kiem-soat-va-viec-chong-hang-gia-hang-lau-807.html

Tin cùng chuyên mục   
AI có thể giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm giả bằng cách phân tích các điểm và mẫu dữ liệu khác nhau để phân biệt nhanh chóng và chính xác sản phẩm thật với hàng giả. 
Ngày 2/6/2023, tại “Hội thảo về các quy định pháp luật và giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau, Cục Quản lý thị trường Cà Mau phối hợp với Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Áp dụng công nghệ chống giả lên bao bì, tích hợp phần mềm thông minh Vinacheck để nhận biết, quản lý hệ thống bán hàng, truy vết đường đi sản phẩm, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng hiệu quả là những tính năng ưu việt của giải pháp bao bì chống giả thông minh được Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) đưa ra thị trường.
Bao bì giấy hay bao bì thân thiện là xu hướng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa hiện nay.
Nhu cầu về các giải pháp chống hàng giả trong những năm gần đây đã tăng lên rất nhiều do hàng giả đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến trên thị trường toàn cầu. Vậy các ngành hàng trên thế giới đang chống giả bằng cách nào?
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.