Truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp cho người tiêu dùng biết được rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm. Khách hàng sẽ biết được sản phẩm được làm, nuôi, trồng… ở đâu, các công đoạn chế biến như thế nào.
Theo gian vừa qua tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp trong thời gian qua đã gây bức xúc cho người tiêu dùng, dẫn đến làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế.
Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là "chìa khóa" khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, truy xuất nguồn gốc còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm "giấy thông hành" xuất khẩu ra thế giới.
Thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, nông sản, dược phẩm…
Hiện ở Việt Nam, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến như: ISO 9000, ISO 22005… Đây là những tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc của GS1 trên toàn cầu. Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Đặc biệt, đầu năm 2019 Chính phủ đã phê duyệt Đề an áp dụng và quản lý hệ thống Truy xuất nguồn gốc. Theo đó đề án mới sẽ tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thống nhất cho cả nước; xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn còn khá khiêm tốn. Theo đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, từ lâu các thị trường nhập khẩu khó tính đã có những yêu cầu rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, yêu cầu của người tiêu dùng về minh bạch thông tin đối với các sản phẩm là vô cùng lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực cà phê, vấn đề truy xuất nguồn gốc bước đầu mới nhận được sự quan tâm từ chính quyền và doanh nghiệp trong vài năm gần đây. Hệ thống mã số vùng trồng mới được thí điểm tại 8.500 hộ trồng cà phê tại Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) vào giữa năm 2019. Một số công ty đã áp dụng truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn ở dạng truyền thống mà chưa ứng dụng cộng nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và blockchain. Việc này cũng tương tự đối với nhiều nhóm ngành hàng sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện có hai hình thức truy xuất , gồm chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng. Với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, để xây dựng thương hiệu nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình là an toàn.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng chính là thông điệp về chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất.
Công cụ cho người tiêu dùng thông minh
Những năm gần đây, khi truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế và người tiêu dùng Việt ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic…
Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng hiện đại có xu hướng muốn "biết" nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc… Việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bởi khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất "sạch" để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, tình trạng hàng giả, kém chất lượng sẽ từng bước được ngăn chặn.
Theo các chuyên gia, việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của Việt Nam.
Yêu cầu của thị trường chính là mệnh lệnh dành cho nhà sản xuất. Điều đó cũng có ý nghĩa, khi người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự kiểm tra các thông tin minh bạch bằng truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi đưa ra quyết định mua hàng thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã xây dựng được văn hóa tiêu dùng mới. Đấy là văn hóa tự bảo vệ chính mình.
Hay nói cách khác, khi người tiêu dùng thông minh biết tận dụng tối đa quyền lợi của mình thì chính người tiêu dùng cũng đang tạo sự hỗ trợ cho nhà sản xuất. Để tồn tại, nhà sản xuất phải bằng văn hóa mới – văn hóa tự chịu trách nhiệm, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và vì quyền lợi người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc vừa là công cụ hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng có thể đảm bảo được chất lượng trong sản xuất và quyền lợi người dùng; vừa là yếu tố để nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng đến xây dựng một văn hóa mới phù hợp với sự phát triển.
Hà Trần/ Thương hiệu công luận
https://thuonghieucongluan.com.vn/truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-cau-chuyen-cua-nguoi-tieu-dung-thong-minh-a109581.html