Khó nhận biết…
Một trong những thương hiệu nổi tiếng của Quảng Ngãi lâu nay là "cá bống sông Trà". Tuy nhiên, thời gian gần đây người tiêu dùng đang hoài nghi về chất lượng sản phẩm này, vì được bán tràn lan, giá cả không thống nhất. Trong nội thành TP.Quảng Ngãi có đến hàng chục điểm bán cá bống và chế biến "cá bống sông Trà". Tuy nhiên, sản lượng cá bống trên sông Trà do những người dân đánh bắt mỗi ngày không nhiều. Theo những người làm nghề chế biến cá bống lâu năm, hiện nay có tình trạng chế biến cá bống nơi khác rồi gắn mác cá bống sông Trà đã và đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Với mặt hàng trái cây dù nhiều loại được nhập về theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, nhưng khi đưa ra tiêu thụ, một số chủ sạp kinh doanh vẫn dán nhãn có xuất xứ từ Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc. Thậm chí, khi các vùng sản xuất trái cây nổi tiếng của cả nước đã hết vụ, ngoài chợ vẫn cứ tràn lan các sản phẩm trái cây của các vùng này. Điều đó khiến cho người tiêu dùng hoang mang.
"Việc ngăn chặn làm giả thương hiệu tỏi Lý Sơn là cần thiết. Tuy nhiên, tỏi là mặt hàng nông sản thông thường, không cấm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ. Vì vậy, huyện Lý Sơn cần xây dựng thêm các điểm bán tỏi, hành chính hiệu để người dân đăng ký đưa vào đây tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng để làm tem chống giả khi đưa sản phẩm ra thị trường. Có như vậy lực lượng mới có cơ sở để bảo vệ thương hiệu".
Giám đốc Sở Công thương TRẦN PHƯỚC HIỀN
Không chỉ thực phẩm, trái cây, gần đây một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên thị trường Quảng Ngãi cũng phát hiện bị làm giả. Tuy nhiên, công tác chống hàng giả hiện gặp nhiều khó khăn, do chính những doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng chính hãng không muốn "làm lớn chuyện". Họ lo ngại sau khi đưa thông tin sản phẩm của mình bị làm giả, sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng. Quý I/2018, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 8 vụ kinh doanh giống lúa, phân bón, thuốc thú y không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, xử phạt 68 triệu đồng.
Tăng cường phối hợp
Theo nhận định của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tình hình sản xuất hàng giả diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các vụ việc hàng giả phát hiện được còn thấp so với diễn biến thực tế trên thị trường. Quý I/2018, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 123 vụ vi phạm, xử phạt 120 vụ, thu hơn 900 triệu đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt những người buôn bán, chế biến, sản xuất hàng giả chưa nghiêm, dẫn đến nhiều trường hợp vẫn bất chấp để làm hàng giả.
Hành vi làm hàng giả, không những gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn vẫn chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng chính hãng và cả người tiêu dùng. Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Ngô Tấn Ảnh cho biết: "Hội sẵn sàng tiếp nhận và phối hợp xem xét đến cùng những phản ánh về hàng giả, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, lâu nay rất ít người tiêu dùng mạnh dạn phản ánh về việc mua phải hàng giả".
Hiện nay, lực lượng chức năng của tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ hàng chính hiệu, trong đó có giải pháp khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng chính hãng tích cực tố giác hành vi sản xuất hàng giả. Hy vọng từ sự phối hợp này, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hàng chính hiệu sẽ đạt kết quả cao hơn.
Bài, ảnh: THANH NHỊ/Báo Quảng Ngãi